Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị về trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội

Ngày 26-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia dự Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017 trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị do UBND TP. Hà Nội tổ chức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương những kết quả mà Thành phố đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Thành phố đã huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, công tác quản lý, duy tu, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, chủ động sáng tạo đưa ra nhiều giải pháp đột phá để giảm ùn tắc giao thông, như xây dựng cầu vượt bằng thép, điều chỉnh giờ làm việc và học tập, phát triển vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, như mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh, dần khép kín đường vành đai 1, các hầm chui. Đặc biệt, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều cầu qua sông Hồng, như cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù… góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Bên cạnh những thành tích quan trọng đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Thành phố vẫn đang đứng trước thách thức với nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp. Thành phố cần tiếp tục tập trung chỉ đạo một số vấn đề lớn, như quan tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch với việc đầu tư hạ tầng đồng bộ hơn, từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh xã hội hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và điều hành giao thông của một đô thị thông minh. Từ đó, tạo tuyến hành lang an toàn, thông suốt theo đúng quy hoạch vùng Thủ đô cũng như quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng phê duyệt.

Thành phố cần tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, như tổ chức giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, rà soát các tuyến đường và nút giao thông có nguy cơ ùn tắc để có phương án khắc phục. Tổ chức tốt quản lý vận tải hành khách, bố trí phân luồng tuyến ra vào các bến xe hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đồng thời, Thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông, tổ chức giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, giải toả lòng đường, vỉa hè.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Huy động sự tham gia mạnh mẽ của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Nội vụ

Ngày 26/12, tại Hà Nội, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Nội vụ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu xoá bỏ tình trạng “bổ nhiệm đúng quy trình” người không xứng đáng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ, ngành nội vụ; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, cần tập trung khắc phục. Đó là, tiếp tục cải cách thể chế để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; chấm dứt tình trạng “nợ” văn bản hiện nay.

Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, phát huy vai trò là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, tích cực phối hợp với các bộ, ngành làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

“Tuyển chọn công chức, viên chức cần công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, minh bạch để ứng viên cạnh tranh với khả năng thực sự, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Rà soát sửa đổi ngay các thủ tục, quy trình bất hợp lý, sớm xoá bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm dư luận quan tâm. Không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng người được bổ nhiệm không xứng đáng”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Có chính kiến rõ ràng về cơ cấu tổ chức, phương án phân định thẩm quyền giữa các cơ quan phụ trách các lĩnh vực.

Về công tác quản lý Hội, tôn giáo, thi đua khen thưởng, văn thư lưu trữ và thanh niên, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Nội vụ cần tiếp tục hoàn thiện Luật về hội, nghiên cứu xây dựng đề án liên quan đến các tổ chức phi chính phủ phù hợp với điều kiện, phong tục, văn hoá của nước ta. Khẩn trương trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định của pháp luật về thi đua-khen thưởng. Khắc phục tình trạng “nặng trên, nhẹ dưới”, khen thưởng cho cơ sở và cá nhân có thành tích thực sự.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu sâu, chú trọng tính ứng dụng, kịp thời, thiết thực, phục vụ quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, Bộ cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đề cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hoạt động công vụ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự diễn đàn về khởi nghiệp

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự diễn đàn “Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao định hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới và việc phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức diễn đàn này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp (DN) và bình đẳng giới.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2027” của Hội sẽ có nhiều thuận lợi khi năm 2016 đi vào lịch sử của đất nước với trên 110.000 DN thành lập mới, tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2015, trung bình mỗi DN có số vốn đăng ký hơn 8 tỷ đồng. Số lượng DN đã ngừng hoạt động nay trở lại hoạt động tăng trên 43%.

Cho rằng diễn đàn đề cập tới nội dung rất khó khi người phụ nữ vừa thực hiện thiên chức của mình, vừa vươn lên khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Chính phủ mong muốn lắng nghe kết quả của Diễn đàn để đánh giá lại thể chế kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp của phụ nữ nói riêng”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó sẽ xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, tập trung cho DN siêu nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng, lao động và các yếu tố đầu vào khác nếu không có hỗ trợ nhà nước.

Chính phủ sẽ hỗ trợ DN khởi nghiệp, sáng tạo trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Thứ ba, Chính phủ có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành DN.

Ngoài việc hỗ trợ tư vấn truyền thông, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị quyết về tạo nguồn vốn cho DN. Đối với DN khởi nghiệp, sáng tạo khó tiếp cận vốn ngân hàng, Chính phủ sẽ phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm và xây dựng thể chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm. Đối với các DN nhỏ và vừa, Chính phủ cũng quy định về bảo lãnh tín dụng ở các địa phương theo hướng bảo lãnh 100% vốn vay (hiện nay là bảo lãnh 75%) để hỗ trợ tốt nhất cho các DN có phương án kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn.

Đồng thời, Chính phủ cũng sửa đổi thể chế kinh tế để thu hút DN đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo động lực cho phụ nữ trong khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp; tập trung các hoạt động hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 26/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII xác định đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL là một trong 5 lĩnh vực trong tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII sẽ thảo luận và ban hành một nghị quyết chuyên đề về đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL, cần được các bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Để thúc đẩy đổi mới hoạt động ĐVSNCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, ngành đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo về lĩnh vực này, rà soát lại quy chế hoạt động, cơ cấu, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự kiến kế hoạch công tác mà trước mắt là của năm 2017.

Tiếp tục kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL và Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Nghị định 16, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, như các nghị định về tự chủ trong từng lĩnh vực, xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL thuộc ngành và của các địa phương; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở thực hiện cơ chế khoán chi trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT xác định rõ hơn lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo và xây dựng khung lộ trình giá. Bộ Tư pháp rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện quy chế tự chủ, nghiên cứu khả năng xây dựng một luật chung điều chỉnh về ĐVSNCL.

Các bộ, ngành báo cáo Ban Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương rà soát, phân loại, sắp xếp lại các ĐVSNCL; nghiên cứu các hình thức xã hội hóa các dịch vụ công; cải cách hành chính trong lĩnh vực sự nghiệp công.

Văn phòng Chính phủ