Bác Ái: Vai trò hợp tác xã trong phát triển kinh tế

(NTO) Trong những năm qua, việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bác Ái đang từng bước khẳng định vai trò hỗ trợ nông dân địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống.

Trên địa bàn huyện có 4 HTX, với 184 thành viên, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Các HTX bước đầu có những hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp của nhiều thành viên, nhất là những thành viên nghèo, bà con địa phương thiếu vốn sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và từng bước mở rộng quy mô hoạt động. Các HTX cũng chủ động tạo mối liên kết với các doanh nghiệp đáp ứng nguồn phân bón, giống cây trồng, thực hiện bao tiêu sản phẩm… cho nông dân địa phương.

 

Dịch vụ cung ứng vật tư của HTX Dịch vụ Sản xuất tổng hợp nông nghiệp Phước Đại
phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Điển hình như HTX Dịch vụ Sản xuất Tổng hợp nông nghiệp Phước Đại, chủ yếu làm dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên cung ứng các loại vật tư như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống bắp, lúa, thu mua nông sản… Qua gần 2 năm đi vào hoạt động, HTX đã trở thành “điểm tựa” tin cậy của nhiều nông dân trên địa bàn. Một trong những điểm mà bà con gắn bó, tin tưởng ở HTX chính là việc cho nông dân ứng trước vật tư vào đầu vụ và trả dần khi vào vụ thu hoạch. Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc HTX, cho biết: Đa phần bà con ở đây còn khó khăn, ít vốn để đầu tư sản xuất, do vậy HTX cho ứng trước vật tư. Việc ký hợp đồng bán trước, trả sau đã khắc phục được tình trạng nông dân bỏ hoang đất, xuống giống kịp thời vụ… Không chỉ vậy, các HTX còn thể hiện được vai trò của mình trong việc vận động nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Duy Muôn, Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Phước Tiến, cho biết: Ngoài việc đảm nhận các khâu dịch vụ nông nghiệp giá rẻ, trước mỗi vụ sản xuất, HTX đều hướng dẫn nông dân lựa chọn giống cây trồng phù hợp, vận động bà con xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, hạn chế được sâu bệnh, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích canh tác. Ngoài ra, HTX cũng thực hiện bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Từ phát triển đa ngành nghề phù hợp với thực tiễn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tổ chức sản xuất có trình tự, quy củ nên mô hình HTX trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả. Lợi nhuận bình quân của mỗi HTX đạt từ 200-250 triệu đồng/năm, thu nhập mỗi thành viên gần 2 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, hoạt động kinh doanh còn đơn điệu, nguồn lực và kinh nghiệm tham gia thị trường còn yếu… Để mô hình kinh tế HTX trên địa bàn huyện ngày càng phát triển đi lên trong thời gian tới, theo ông Hoàng Văn Đặng, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Bác Ái, cho biết: Ngoài việc quan tâm củng cố, khắc phục những điểm yếu của các HTX, huyện sẽ tăng cường việc định hướng cho các HTX mở rộng quy mô hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; đẩy mạnh liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ HTX, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về vốn… Qua đó, từng bước khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.