|
Anh Đặng Văn Tín Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh |
Tuy chưa nhiều nhưng với 13 con tàu "67" đã đi vào hoạt động góp phần không nhỏ trong việc tăng tổng sản lượng khai thác hải sản năm 2016 lên trên 83,8 ngàn tấn, tăng 11% so năm trước. Nhân sự kiện hạ thủy con tàu "67" cuối cùng trong năm 2016, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi thú vị với anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh.
Phóng viên: Có thể nói, Nghị định 67 của Chính phủ đã mở ra triển vọng mới cho ngư dân trong việc tạo nguồn lực tài chính đủ mạnh để đóng những con tàu lớn khai thác hải sản xa bờ cũng như tổ chức kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần tạo nên bộ mặt mới cho ngành Thủy sản của tỉnh. Anh có thể nhận xét sâu hơn về vấn đề này?.
- Anh Đặng Văn Tín: Phải khẳng định rằng, Nghị định 67 của Chính phủ bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá của tỉnh, đây là lần đầu tiên tỉnh ta có những tàu cá được đóng bằng thép, composite, với chiều dài thiết kế trên 20 m, trang bị máy chính mới 100%, công suất trên 700 CV, với các trang thiết bị khai thác hiện đại. Qua 2 năm triển khai thực hiện, đã có 40 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán khoảng 390 tỷ đồng. Đến nay, đã có 13 tàu cá hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó 1 tàu vỏ sắt, 4 tàu vỏ composite và 8 tàu vỏ gỗ.
Chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần Nghị định 67 đã tạo điều kiện cho ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển tàu cá có công suất lớn, vươn khơi khai thác trên các vùng biển xa. Cụ thể, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trên toàn tỉnh có khoảng 106 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên (trong đó, chỉ có 1 tàu công suất hơn 700 CV), đến nay đã có 136 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên, trong đó có 8 tàu công suất từ 700 CV trở lên, đặc biệt có tàu cá công suất gần 1.000 CV. Một số ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ như pha xúc, lưới mùng... sang các nghề hoạt động trên các vùng biển xa như câu khơi, rê cước...
Phóng viên: Được biết, trong quá trình triển khai các dự án đóng mới, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, anh cho biết vấn đề này đã được xử lý ra sao?
- Anh Đặng Văn Tín: Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy phần lớn ngư dân trong tỉnh đều mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đóng tàu lớn vươn khơi. Tuy nhiên, đối với một số địa phương do tập quán khai thác truyền thống và ngành nghề khai thác không phù hợp với định hướng phát triển của ngành, do đó không đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng. Đơn cử như các xã Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam), đa số ngư dân chủ yếu hoạt động bằng nghề pha xúc, nhưng nghề khai thác này không nằm trong danh mục các nghề ưu tiên phát triển. Mặt khác, vốn đối ứng (30%) đối với tàu vỏ gỗ là tương đối cao, vượt quá khả năng tài chính của ngư dân, do đó ngư dân mong muốn giảm giá thành con tàu xuống bằng cách cho phép sử sụng máy cũ đã qua sử dụng, thay vì dùng máy mới 100% để lắp xuống tàu... Để góp phần tháo gỡ vướng mắc, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các địa phương tập trung một số nội dung:
- Tăng cường công tác tuyền truyền để ngư dân trong tỉnh nắm được nội dung của Nghị định 67/2014/NĐ-CP và 89/2015/NĐ-CP; hướng dẫn bà con ngư dân lập hồ sơ đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo Hướng dẫn số 129/HD-UBND ngày 12-1-2015 của UBND tỉnh, yêu cầu cán bộ tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ phải nắm chắc các chủ trương, quy định của Nhà nước để đảm bảo hồ sơ đăng ký vay vốn không bị sai, mất thời gian để điều chỉnh.
- Phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh, để thực hiện chuyển đổi một số nghề hạn chế phát triển như pha xúc, lưới kéo, lưới rút mùng, các tàu cá có công suất dưới 20 CV... theo đúng định hướng của ngành.
Phóng viên: Trong thời gian qua, có một số ngư dân đóng tàu "67" nhưng khi đưa vào hoạt động hiệu quả chưa cao. Xin cho biết đâu là nguyên nhân và trong thời gian đến, theo anh cần có những giải pháp nào để tránh xảy ra những trường hợp tương tự như vậy?
- Anh Đặng Văn Tín: Qua quá trình theo dõi các dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, Chi cục có một số nhận xét, đánh giá như sau: Trong số các tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã đi vào hoạt động thì chủ yếu vẫn hoạt động ở vùng lộng, chưa thực sự vươn khơi đánh bắt trên các vùng biển xa bờ. Nguyên nhân, một phần do các chủ tàu thiếu kinh nghiệm hoạt động trên các vùng biển xa; thiếu kiến thức về bảo quản sản phẩm sau khai thác, một phần sau khi đã "dồn sức" đầu tư đóng tàu thì không còn vốn lưu động để đầu tư cho hoạt động dịch vụ khai thác hải sản xa bờ... Trước thực tế trên, trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Chi cục xác định một số giải pháp như: Tăng cường công tác khảo sát ngư trường, hướng dẫn ngư dân đưa tàu cá đến khai thác ở các ngư trường mới trên các vùng biển xa bờ. Tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có công suất từ 400 CV trở lên. Về chính sách vay vốn lưu động, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu cho ngư dân vay.
Phóng viên: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi vào dịp cuối năm này.
Mai Dũng (Thực hiện)