Thưa các vị đồng chủ tọa Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam,
Thưa toàn thể Quý vị đại biểu,
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi hoan nghênh toàn thể quý vị tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân – Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”.
Tôi đã chú ý lắng nghe các báo cáo, phát biểu góp ý rất thiện chí mang tính xây dựng, kiến nghị thiết thực của Ngài Giám đốc khu vực Tổ chức tài chính quốc tế IFC, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới WB và của các diễn giả, quý vị đại biểu. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng của Việt Nam đã phản hồi, thảo luận tích cực về một số vấn đề mà các Bạn đã nêu. Thủ tướng đã ghi lại những vấn đề lớn mà quý vị phát biểu hôm nay với thái độ cầu thị, lắng nghe.
Thưa Quý vị,
Tôi cũng hoan nghênh chủ đề năm nay vì chúng ta biết thực tiễn 30 năm cải cách, đổi mới tại Việt Nam và xu hướng hiện nay đã chứng minh một cách thuyết phục kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Như quý vị đã biết, hiện nay Việt Nam đã có 600.000 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế như Vietnam Airline, FPT, Vinamilk,TH Truemilk, Bitis’, Hàng không Vietjet, Saingon Tourist…Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập trong một năm, như vậy, bình quân cứ 1 tiếng đồng hồ, có 12 doanh nghiệp mới ra đời.
Ngoài ra, tại diễn đàn này, tôi muốn nhắc đến một lực lượng đông đảo hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước. Đây cũng là lực lượng kinh tế quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến thực hiện mục tiêu có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Và điều đặc biệt, tại Việt Nam có hơn 22.000 doanh nghiệp FDI kinh doanh, đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn quốc tế danh tiếng. Đây là một khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển tốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam và đang có sự hợp tác tốt với các khu vực kinh tế trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân. Như quý vị đã biết, năm nay, tuy có khó khăn do biến động, nhưng đã thu hút được tổng mức đầu tư FDI vào Việt Nam đạt trên 18 tỷ USD. Tôi cho rằng đây là một chính sách thành công của Việt Nam.
Thưa Quý vị,
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”. Tôi muốn nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là bao gồm cả các doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các doanh nghiệp trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất.
Nhân đây tôi cũng nêu với quý vị là Hiến pháp Việt Nam năm 2013 coi FDI là một thành phần phát triển kinh tế Việt Nam. Và Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN 2015, ký 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 04 Hiệp định FTA, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều đó giúp Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Thưa Quý vị,
Qua 4 phiên thảo luận tại Diễn đàn lần này, chúng ta đã đề cập tới 7 nội dung quan trọng về: (i) tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; (iii) nâng cao nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo; (iv) phát triển thị trường vốn; (v) cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ chế PPP, BOT, BOO, BT…; (vi) năng lượng sạch và tái tạo; (vii) biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây là những chủ đề rất thiết thực và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, Tôi muốn chia sẻ cùng Quý vị một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Phấn đấu các chỉ số cơ bản của Việt Nam về môi trường kinh doanh (DB) theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới WB và năng lực cạnh tranh (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đạt mức trung bình các nước ASEAN-4 trước năm 2020. Và quý vị đã biết, theo xếp hạng môi trường kinh doanh 2017 của WB, Việt Nam xếp hạng 82/190 quốc gia, gần tương đương hạng 4 trong ASEAN. Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), Việt Nam đạt thứ hạng cao là 56/140, tuy nhiên, thứ hạng này chỉ đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Do vậy, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục cải thiện, nâng hạng môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của mình.
Thứ hai, chúng tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công - tư (PPP). Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; chủ động tham gia, đề xuất các sáng kiến chính sách và dự án đầu tư hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tăng trưởng mang tính toàn diện, bao trùm.
Thứ ba, tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia.
Tôi xin nói rõ thêm một vài ý. Khu vực FDI là một mắt xích không thể tách rời của kinh tế Việt Nam và thực tiễn cho thấy, khu vực này có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những đóng góp này và cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn doanh nghiệp FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, thị trường và năng lực quản trị... sẽ có những cam kết và hành động cụ thể, thực chất, để hỗ trợ, tăng cường liên kết, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích chung của các bên.
Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận, tham gia, cung ứng nhiều linh kiện, phụ tùng, dịch vụ đạt yêu cầu cho các doanh nghiệp FDI. Các bên cùng nhau hợp tác, chế biến, đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối khu vực và thế giới. Về phần mình, Chính phủ nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bảo hộ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ và trên hết, cùng chung tay hành động với các doanh nghiệp để thực hiện các công việc quan trọng này.
Về phía doanh nghiệp FDI, Chính phủ mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam. Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp để cùng hợp tác, cùng chia sẻ và cùng phát triển với Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường. Bởi điều đó không chỉ gây phương hại đến lợi ích phát triển bền vững của Việt Nam mà còn làm tổn hại đến uy tín và sự mẫu mực trong kinh doanh của nhiều nhà đầu tư khác đang có mặt ở Việt Nam, làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, danh tiếng của thế giới đến với Việt Nam trong tương lai.
Thứ tư, mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực FDI, nhưng nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh. Đây không phải là quan điểm mâu thuẫn mà ngược lại, bổ trợ và tương tác thuận chiều cho nhau, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo sức sống và sức phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, mọi thành phần kinh tế cũng như người dân đều hưởng lợi. Với ý nghĩa đó, Chính phủ Việt Nam khuyến khích, tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế của người dân Việt Nam, phấn đấu đạt mục tiêu cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp đăng ký vào năm 2020, trong đó có nhiều doanh nghiệp trưởng thành lớn mạnh và phát triển vươn ra tầm khu vực, quốc tế.
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là mọi doanh nghiệp, dù là kinh tế tư nhân hay FDI, đều bình đẳng trước pháp luật; khuyến khích tinh thần hợp tác, liên kết chuỗi giá trị và cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay,Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, đây là lợi thế chiến lược, hàng đầu của quốc gia. Do vậy, Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp phát huy sáng tạo trong cạnh tranh phát triển, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, chất lượng nguồn lực và năng suất lao động của nền kinh tế, qua đó, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia như tôi đã đề cập ở trên.
Thứ năm, về phía Chính phủ, tôi đề nghị các Bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của Diễn đàn hôm nay để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan.
Tôi giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, có kế hoạch triển khai những nội dung trong các nhóm vấn đề đã thảo luận, trước hết là sửa thể chế, chấn chỉnh một số việc bất cập, tồn tại kéo dài. Tinh thần là luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường.
Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng phải làm nhiều việc để có môi trường đầu tư tốt cho kinh tế tư nhân cũng như doanh nghiệp FDI. Nói chung là phải tiếp tục cải cách, đổi mới toàn diện trên nhiều lĩnh vực để đáp ứng môi trường kinh doanh thông thoáng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và thông báo, phản hồi cho Diễn đàn biết việc tiếp thu sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp và trách nhiệm.
Tôi có trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và một số đồng chí Thứ trưởng có mặt hôm nay rằng, chúng ta đã nghe và phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời, không phải nghe để biết, rồi để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, doanh nghiệp được gì, nhân dân và người lao động được gì. Ba câu hỏi này đang đặt ra để làm chính sách tốt hơn, mà trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, Chính phủ sẽ nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên sân nhà - trong nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra thế giới thành công.
Chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn www.chinhphu.vn