Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017
Ngày 8/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự phiên khai mạc Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017.
Theo Phó Thủ tướng, trong 27 năm hình thành và phát triển, APEC đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình, nhất là vào những thời điểm khó khăn.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo cần tập trung thảo luận để xác định những ưu tiên cho APEC trong năm 2017 trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được tại Peru và trong những năm trước để tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực chung, nhất là thực hiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ.
Năm APEC 2017 cần tiếp nối những nỗ lực dài hạn trên, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Trước hết, APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, trong đó cách cơ cấu cần là ưu tiên của APEC nhằm thúc đẩy tăng năng suất, tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường khả năng thích ứng trước những biến động và cú sốc về kinh tế, tài chính, cũng như trước thiên tai và dịch bệnh.
Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng.
Thứ ba, bước vào kỷ nguyên số, APEC cần hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chiếm hơn hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, MSMEs là động lực quan trọng cho tăng trưởng và tạo việc làm.
Thứ tư, trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, các nền kinh tế APEC cần tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng và tính bền vững của nông nghiệp. Đặc biệt, APEC cần thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông thôn sáng tạo và bao trùm.
Trong một thế giới đầy biến động, APEC cần tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập; khẳng định vai trò tầm toàn cầu trong điều phối các liên kết kinh tế khu vực đa tầng nấc; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch và bao trùm.
Phó Thủ tướng cho rằng đây là thời điểm để APEC cùng nhau xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, vì một “Quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21” - một quan hệ đối tác thiết thực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về cơ chế một cửa ASEAN
Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.
Kết luận phiên làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định việc thành lập Ủy ban này và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban là nhu cầu thiết yếu để thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực, cũng như thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cả về chủ quan và khách quan dẫn đến việc những lợi ích mà Cơ chế một cửa quốc gia mang lại cho cộng đồng chưa thực sự đầy đủ. Hiện các bộ, ngành mới thực hiện 36/280 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (chiếm 13%). Nguyên nhân sâu xa của những tồn tại này đến từ cơ chế phối hợp, kết hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện thủ tục hành chính. Quan trọng nhất là nhận thức các cấp, các ngành, các bộ tham gia.
Phó Thủ tướng cho rằng: “Người đứng đầu, Bộ trưởng mà không chuyển động thì khó mà làm được. Thường thường sức ỳ của cán bộ công chức rất lớn vì không làm thì chả chết ai cả, chỉ khổ doanh nghiệp, khổ người dân”.
Nói về mục tiêu tổng quát, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2018 phải tạo ra bước chuyển biến căn bản, hoàn thành triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; kết nối được ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.
Đến năm 2020, toàn bộ 280 thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, đưa các thủ tục lên Cơ chế một cửa quốc gia nhưng không thu hút được doanh nghiệp tham gia thì cũng không đạt được hiệu quả cuối cùng. “Đưa lên quan trọng là như thế nào, thu hút được bao nhiêu doanh nghiệp, tiết kiệm được bao nhiêu chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội thế nào phải tính toán rõ”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề cho các bộ, ngành.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng giao Thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại cần tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe, đánh giá nhu cầu và sự hài lòng của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các bộ ngành cũng cần rà soát, hoàn thiện 73 nhóm thủ tục chuyên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào
Chiều 8/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp thân mật ông Bouasone Bouphavanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ông Bouasone Bouphavanh cho biết Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào là cơ quan mới được thành lập nhằm nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước Lào các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, Viện đã hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để nghiên cứu, chia sẻ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội mỗi quốc gia cũng như của hai nước. Ông cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho sự hợp tác giữa hai Viện trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vui mừng trước sự hợp tác giữa hai Viện; mong muốn sự hợp tác giữa hai bên sẽ đóng góp tích cực cho quan hệ giữa hai quốc gia như tinh thần tuyên bố chung của hai Tổng Bí thư hồi tháng 11/2016.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị hai Viện cần tăng cường hợp tác, phối hợp nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ hai nước các chủ trương, chính sách về kết nối, gắn kết hai nền kinh tế, nhất là về thể chế kinh tế; đổi mới cơ cấu trao đổi hàng hóa và tăng nhanh kim ngạch thương mại hai quốc gia; phát huy lợi thế so sánh của mỗi nước để bổ sung thế mạnh cho nhau cùng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút đầu tư, chính sách về đất đai, thuế khoán và việc kết nối hạ tầng, phát triển đào tạo nguồn nhân lực của hai quốc gia.
Nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào phối hợp, hợp tác hiệu quả với phía Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngày 8/12, chủ trì cuộc họp Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh phát triển bền vững phải được đánh giá, đo lường cụ thể.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận về 3 vấn đề lớn: Dự thảo Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; cơ hội và khả năng tận dụng từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần: Việt Nam cam kết thực hiện đủ 17 chỉ tiêu với 169 tiêu chí về phát triển bền vững. Kế hoạch triển khai trong một giai đoạn dài nhưng cần có thước đo, chỉ tiêu và tiếp tục cụ thể hóa theo từng năm.
Đồng tình với quan điểm của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển về tăng cường yếu tố công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, chống tham nhũng trong những giải pháp thực hiện Kế hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương phải có nhận thức đầy đủ, thực sự và thể hiện bằng các giải pháp cụ thể, đặc biệt quan trọng là phân bổ nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, điều hành cho Chương trình.
“Dù nhận thức được nhưng vì rất nhiều yếu tố khách quan, công tác chỉ đạo, điều hành, nguồn lực thường tập trung rất nhiều vào những mục tiêu trước mắt, đang gây nhiều bức xúc. Về lâu dài nếu không dành sự quan tâm thích đáng, đầy đủ thì những mục tiêu cơ bản, dài hạn sẽ tích tụ thành những vấn đề rất lớn”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng gợi ý từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 19, Hội đồng nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ dự thảo văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ về phát triển bền vững. Đồng thời kết hợp với một số tổ chức quốc tế, Liên Hợp Quốc xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá hằng năm việc thực hiện, có xem xét đến cả mục tiêu được đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035.
Về dự thảo Nghị quyết 19 của năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành tham gia góp ý cụ thể, Bộ KH&ĐT cùng Văn phòng Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình bày trong hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017 giữa Chính phủ với các địa phương.
Phải làm sao để các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 không nằm trên văn bản mà phải đi vào thực tiễn, từ việc cải thiện các chỉ số đến việc cung cấp thông tin sát thực nhất cho các tổ chức quốc tế khảo sát về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Các thành viên của Hội đồng thống nhất với đề xuất xây dựng cuốn sổ tay tập hợp các nhóm tiêu chí cụ thể liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” các thành viên Hội đồng, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đầy đủ, hiểu đúng bản chất những đặc trưng, tác động lớn… của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó đề xuất phương án để tận dụng, nắm bắt cơ hội tương tự như phương án cải thiện môi trường kinh doanh để thực thị hiệu quả, có cơ chế ban hành, đánh giá, đo lường hằng năm.
Văn phòng Chính phủ