Qua thống kê ban đầu, mưa lũ đã làm ngập 525 ha lúa, 80 ha hoa màu các loại; hơn 71,2 ha đìa tôm, cá bị sạt lở; hơn 40 ha ruộng muối bị sạt lở bờ. Một số tuyến đường giao thông nội thôn, bờ kè, mương thủy lợi của một số xã thuộc huyện Thuận Bắc và Ninh Hải bị sạt lở. Các ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức hỗ trợ, giúp dân sơ tán, di dời trên 350 người dân huyện Ninh Hải và Thuận Bắc ở khu vực ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.
Để khắc phục cầu Vĩnh Hy bị sập, UBND xã Vĩnh Hải (Ninh Hải)
khẩn trương chỉ đạo các lực lượng vận chuyển đất làm đường tạm để người dân đi lại.Ảnh: Phan Hiếu
Đối với cầu Vĩnh Hy, ngay sau chỉ đạo của tỉnh, ngành Giao thông vận tải đã huy động nhân lực và phương tiện khắc phục sự cố, trong chiều 6-12 đã thông xe, giao thông đi lại khu vực Vĩnh Hy đã trở lại bình thường.
Ông Trần Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Ngay khi có thông tin về tình hình mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc Công điện khẩn số 4923/CĐ-UBND ngày 6-12-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong đợt mưa từ ngày 5 đến 7-12, tổng dung tích 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh luôn vượt ngưỡng hơn dung tích chứa, nhất là các hồ lớn như Sông Sắt đạt 72,66/69,33 triệu m3, Sông Trâu 33,62/31,53 triệu m3, Tân Giang 13,39/13,39 triệu m3, Lanh Ra 13,99/13,89 triệu m3… Để chủ động ứng phó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã túc trực 24/24 giờ, vận hành xả lũ đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, vùng hạ du, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ gây ra.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong 24 giờ tới, khu vực toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa lũ đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp; mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm: Để chủ động ứng phó hiệu quả, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Công điện khẩn số 4923/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo dõi sát diễn biến tình hình của mưa lũ để có dự báo và cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Trước mắt, ngành NN&PTNT phối hợp với các địa phương rà soát lại thiệt hại về sản xuất, thực hiện các biện pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Xuân Bính