Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn 2016-2020

LTS: Ngày 14-11-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn 2016-2020. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung Nghị quyết.

I- Khái quát tình hình

Những năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, trong nước tình hình thắt chặt đầu tư công,... nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2011-2015, đã huy động trên 10.950 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so giai đoạn trước; nhiều công trình hạ tầng quan trọng, quy mô lớn trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đô thị, y tế, giáo dục... được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội còn thấp, một số lĩnh vực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ Trung ương; các hình thức huy động nguồn lực xã hội hoá còn hạn chế. Sử dụng nguồn lực đất đai để huy động vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng còn bất cập. Phân bổ nguồn vốn cho một số công trình kết cấu hạ tầng còn dàn trải, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân.

Nguyên nhân của các hạn chế: Vai trò lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương trong quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, có trường hợp hiệu quả thấp. Chất lượng quy hoạch và công tác quản lý, thực hiện quy hoạch còn bất cập, chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư chưa sâu sát, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Công tác tham mưu cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư có sự tham gia của các thành phần kinh tế chưa hiệu quả.

Trong bối cảnh chung của cả nước: tình hình nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 hạn chế; việc khai thác các nguồn thu ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn. Tình hình trên đòi hỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tập trung lãnh đạo nhiệm vụ huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

II- Quan điểm, mục tiêu huy động nguồn lực

1- Quan điểm

- Huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cấp thiết về giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế được xác định là khâu đột phá, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh, bền vững, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và của cả nước.

- Tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Nhà nước vào các công trình quan trọng, cấp thiết, tạo động lực lan toả nhằm thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Tiếp tục tăng cường vận động, thu hút nguồn vốn ODA, các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế. Huy động nguồn vốn tồn ngân Kho bạc Trung ương và vốn vay tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng cấp bách.

2- Mục tiêu

- Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cấp thiết về giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng hiện có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng-an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh nằm trong nhóm trung bình khá của khu vực Duyên hải Miền Trung.

- Xây dựng danh mục thứ tự ưu tiên và cơ chế, chính sách cho 05 lĩnh vực cần tập trung thu hút huy động nguồn lực đầu tư để tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tính kết nối, liên thông đối với hệ thống giao thông, thủy lợi và phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

3- Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

- Tổng vốn huy động và đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 51 - 55 nghìn tỷ đồng. Trong đó: vốn đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế khoảng 27-28 nghìn tỷ đồng, gồm: nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương chiếm 18%; nguồn vốn ODA chiếm 17%; nguồn vốn chính sách đặc thù và vốn vay tồn ngân Kho bạc, tín dụng ưu đãi chiếm 10%; nguồn vốn các bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn chiếm 26%; nguồn vốn BT, BOT, PPP, xã hội hóa và huy động khác chiếm 29%.

- Đến năm 2020: Toàn tỉnh có 06 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại IV và 04 đô thị loại V; mật độ đường giao thông đạt 0,42 km/km2; năng lực tưới đạt 60% diện tích đất nông nghiệp; có 50% số trường phổ thông và 20% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

III- Các nhiệm vụ trọng tâm

1- Hạ tầng giao thông

Tập trung huy động, đầu tư kết cấu hạ tầng một số tuyến đường giao thông quan trọng, cấp bách để liên thông với các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B, đường cao tốc, đường ven biển, đường liên huyện nhằm phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với các tỉnh trong khu vực, tạo thuận lợi khai thác tốt nhất các lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về sân bay, cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.

Ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông đến các vùng phát triển sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, các khu du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và các vùng phát triển năng lượng của tỉnh. Tiếp tục huy động, thu hút nguồn lực đầu tư các tuyến đường vành đai phía Bắc, đường vành đai Đông Nam, đường Văn Lâm-Sơn Hải, đường tỉnh 704, đường đôi phía Nam đi vào thành phố, các tuyến đường nội thị, đường Phước Đại-Phước Tân...

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cấp, mở rộng hạ tầng các cảng biển, cảng hàng hóa, cảng phục vụ du lịch và cảng cá kết hợp tránh trú bão như: Cà Ná, Ninh Chữ, Bình Tiên-Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ, Mỹ Tân, Đông Hải. Kiến nghị Trung ương đầu tư phục hồi tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm; nâng cấp ga đường sắt Cà Ná thành ga hàng hóa; đầu tư kết nối tuyến đường sắt từ ga Cà Ná đến Khu công nghiệp và cảng biển nước sâu Cà Ná.

2- Hạ tầng thủy lợi

Tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi bảo đảm đồng bộ, hiện đại từ đầu mối đến hệ thống kênh mương nội đồng, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và sản xuất công nghiệp gắn với chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bão, lũ, xâm nhập mặn và nước biển dâng; chú trọng đầu tư liên thông các hồ chứa để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường thu hút, huy động các nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để triển khai đầu tư một số một số công trình: Hồ Tân Mỹ, hồ Sông Than, hồ Đa Mây, hồ Kiền Kiền, hồ Tân Giang II, các công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển. Đồng thời, tăng cường đầu tư theo mô hình “thủy-lâm kết hợp”, gắn thủy lợi với trồng rừng, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thành đập hạ lưu Sông Dinh, hệ thống kênh mương cấp II, III Lanh Ra, Sông Biêu; ưu tiên đầu tư hoàn thành các tuyến đê Bắc Sông Dinh, kè chống sạt lở bờ biển khu vực từ xã Nhơn Hải đến Thanh Hải, dự án tổng thể chống sạt lở Sông Dinh…

3- Hạ tầng đô thị

Đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ cả về hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điều kiện vệ sinh môi trường đô thị gắn với việc duy tu, bảo dưỡng và sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có. Trong đó, lấy đô thị trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm làm động lực để phát triển các đô thị vệ tinh bảo đảm đạt các tiêu chí về cấp đô thị, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, nâng cấp thị trấn Tân Sơn thành đô thị loại 4, hình thành thị trấn Phước Đại và Lợi Hải.

Trước mắt, chú trọng đầu tư nâng cấp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải đô thị và phát triển hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh; hoàn thành đồng bộ hệ thống thoát nước thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, thị trấn Khánh Hải giai đoạn 2 và thị trấn Tân Sơn; khắc phục có hiệu quả tình trạng ngập úng cục bộ các tuyến đường nội thị và các khu dân cư. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải giai đoạn 2 và dự án phát triển đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng văn hóa, thể thao, hệ thống cây xanh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp.

4- Hạ tầng giáo dục

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, cơ sở trường, lớp học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các trường dân tộc nội trú, trường bán trú; mở rộng quy mô đào tạo của trường Cao đẳng nghề; xây dựng mới Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt chuẩn quốc gia.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo; tăng cường khuyến khích, mời gọi các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đầu tư thành lập hoặc hợp tác đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp theo hướng đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

5- Hạ tầng y tế

Tiếp tục tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là mạng lưới tế cơ sở; nâng chất lượng khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng y tế, khuyến khích đầu tư thành lập bệnh viện tư nhân và các loại hình y tế ngoài công lập. Trước mắt, tập trung đầu tư, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh thành bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 gường; Trung tâm Mắt thành Bệnh viện Mắt và xây mới Bệnh viện Y dược cổ truyền quy mô 100 giường...

IV- Các giải pháp chủ yếu

1- Nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tính kết nối giữa các loại quy hoạch về đất đai, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng của các ngành, các địa phương với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gắn với tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc tổ chức thực hiện quy hoạch. Xác định rõ danh mục, thứ tự các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, bức xúc, có tác động lan tỏa để ưu tiên thu hút đầu tư.

Rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện quản lý chặt chẽ quỹ đất, nhất là quỹ đất công; chú trọng phát triển quỹ đất ở các khu đô thị và những vùng có tiềm năng theo hướng mở rộng không gian đô thị, nâng cao giá trị quỹ đất. Tập trung xây dựng quỹ đất sạch để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Công bố rộng rãi, công khai, minh bạch quỹ đất quy hoạch dành cho các dự án hợp tác công-tư, các dự án xã hội hóa...

2- Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Tiếp tục tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh; trong đó chú trọng các nguồn lực về chính sách đặc thù đối với các tỉnh đặc biệt khó khăn, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn dự phòng và các nguồn kết dư, vốn hỗ trợ cấp bách,... Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần chi phối; tăng cường công tác thu ngân sách, nhất là các nguồn thu từ quỹ đất đô thị, quỹ đất hai bên các tuyến đường giao thông để tạo nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng.

Tập trung vận động, thu hút và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực an toàn hồ chứa, vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng đô thị, nông thôn, phòng tránh thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng giáo dục, y tế; quan tâm bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hình thức xã hội hóa, đối tác công-tư...; khuyến khích, huy động nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm huy động tối đa nguồn lực từ các đối tượng hưởng lợi tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền trong đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch, đúng quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; kiên quyết khắc phục và chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình xây dựng để phát huy công năng sử dụng, duy trì độ bền vững và bảo đảm cảnh quan môi trường.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo thuận lợi thu hút, huy động nguồn lực đầu tư. Tập trung chỉ đạo hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm đưa vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả. Rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý dự án; thực hiện nghiêm túc, kịp thời chế độ thông tin, báo cáo, giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo quy định.

3- Đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng theo các hình thức xã hội hóa, PPP, BOT, BT... Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu từ đất, đấu giá đất và tài sản trên đất công để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế tăng quy mô quỹ đầu tư phát triển của tỉnh thông qua việc kêu gọi hỗ trợ các quỹ đầu tư nước ngoài và đấu giá đất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh phân cấp quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng cho các huyện, thành phố trên cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và khả năng cân đối vốn được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, quy định phân cấp, ủy quyền quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị cho các ngành, địa phương để nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả khai thác sử dụng một số hạ tầng thiết yếu.

4- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tham gia phát triển kết cấu hạ tầng

Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng tình ủng hộ, tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thu thút và huy động nguồn lực đầu tư, nhất là trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

V- Tổ chức thực hiện

1- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết; nêu cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

2- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh hoàn chỉnh, ban hành Đề án về huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết: Giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn 2016-2020; rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; xây dựng các kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.

3- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và xây dựng nghị quyết, chú trọng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Đề án của UBND tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

4- Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh chỉ đạo triển khai quán triệt Nghị quyết, có các hình thức phù hợp để vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

5- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn triển khai, quán triệt Nghị quyết; chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền việc triển khai thực hiện và các chủ trương, chính sách về huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết trên địa bàn tỉnh.

6- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban đảng tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; định kỳ hàng năm, 3 năm, 5 năm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm thực hiện thắng lợi các nội dung Nghị quyết đề ra.

Nghị quyết này được phổ biến đến các chi, đảng bộ.