Vai trò Mặt trận xã Phước Thuận trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Tháng 9-2015, Phước Thuận (Ninh Phước) được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trở lại Phước Thuận vào những ngày giữa tháng 11, chúng tôi không khỏi ấn tượng trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng quê này. Trong điều kiện còn khó khăn, nhưng nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, nông nghiệp và nông thôn ở Phước Thuận tiếp tục mang diện mạo mới, đến nay vẫn duy trì ổn định các tiêu chí xã NTM.

Là xã đồng bằng thuần nông, Phước Thuận có tổng diện tích tự nhiên trên 1.241 ha, dân số gần 16.400 người (trên 3.900 hộ) sinh sống trong 7 thôn: Thuận Hòa, Thuận Lợi, Phước Khánh, Phước Lợi, Hiệp Hòa, Vạn Phước và Phú Nhuận. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: “Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị xã đã vào cuộc, trong đó phải kể tới vai trò đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã”. Để phát huy vai trò chủ thể của người dân, MTTQ xã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên phát động các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào đi vào thực tiễn, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nhờ tập trung tuyên truyền thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động, thông qua các Ban vận động ở khu dân cư, MTTQ xã đã vận động Nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng, hiến đất làm 1.650 m đường giao thông nông thôn và huy động 1.400 công lao động tham gia thực hiện bê-tông 4,45 km đường nội đồng.

 
Cổng vào khu trung tâm hành chính xã Phước Thuận.

Theo đồng chí Ngụy Tấn Sung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phước Thuận, trên cơ sở kế thừa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sau một năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, các khu dân cư trong xã tiếp tục đạt được những kết quả tốt đẹp. Đơn cử, khu dân cư Phú Nhuận có đông đồng bào Chăm, đã không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới khang trang; xuất hiện nhiều gương điển hình về phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Nhìn tổng thể toàn xã, thu nhập trung bình của người dân đã tăng từ 23,3 triệu đồng/người/năm (thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM) lên 28 triệu đồng/người/năm. Góp phần vào kết quả trên, MTTQ xã Phước Thuận đã thể hiện rõ nét vai trò vận động Nhân dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là vận động nông dân thực hiện hiệu quả các mô hình trong sản xuất nông nghiệp như: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa (diện tích 280 ha); trồng rau sạch (10 ha ở thôn Thuận Lợi và Phước Lợi); chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo gắn với trồng nho, táo với 680 hộ tham gia.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, điểm nhấn đáng chú ý là việc tiếp tục duy trì xây dựng xã văn hóa NTM Phước Thuận. Cùng với giữ vững chuẩn 5 thôn văn hóa từ 3 năm trở lên (Phú Nhuận, Vạn Phước, Hiệp Hòa, Phước Khánh và Thuận Hòa), MTTQ xã còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng làng văn hóa tại 2 thôn còn lại. Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương, MTTQ xã cũng đã phát huy vai trò tích cực. Ngoài 7 Ban công tác Mặt trận hình thành tại 7 thôn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã còn tham mưu công tác xây dựng, củng cố 75 Tổ nhân dân tự quản, 7 Tổ hòa giải, 7 Tổ an ninh xung kích, 10 Tộc họ tự quản về ANTT của đồng bào dân tộc Chăm, và 7 Tổ dân vận thôn. Các lực lượng nòng cốt này đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đem lại bình yên thôn xóm. Anh Phan Ngọc Tuấn, Trưởng thôn Thuận Lợi, chia sẻ: Nhờ đoàn kết giữ vững trật tự an toàn xã hội, người dân trong thôn yên tâm đầu tư trồng nho, táo và chăn nuôi dê, cừu, từng bước cải thiện đời sống.

Trong giai đoạn mới thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, bên cạnh tăng thu nhập, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo được coi là một trong những tiêu chí khó khăn. Theo khảo sát, hộ nghèo ở Phước Thuận hiện chiếm 11% theo chuẩn mới. Đồng chí Ngụy Tấn Sung cho biết: Để giải quyết vấn đề này, Phước Thuận đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng ở vùng đất gò sang trồng táo, nho, chú trọng tạo điều kiện cho Nhân dân sản xuất và có việc làm ổn định, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 8% theo chuẩn mới. Tôi tin rằng với truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, Phước Thuận sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra.