Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước

(NTO) Sáng 16-11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề tưới tiết kiệm nước. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận tìm giải pháp tiết kiệm nước tưới trong điều kiện hạn hán kéo dài, nguồn tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt. Thực hiện Chương trình tiết kiệm nước, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho các loại cây trồng như lúa, mía, nho, táo, rau màu với diện tích hơn 7.000 ha. Các mô hình tưới tiết kiệm giảm được 30-35% lượng nước tưới giúp người dân chủ động sản xuất trong điều kiện khô hạn, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập. Tuy vậy, có những mô hình tưới tiết kiệm nước chậm được nhân rộng, là cản trở lớn trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán của tỉnh. Theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của hạn chế trên là do nhiều hộ không đủ khả năng tài chính đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước. Các van phun của hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa đang sử dụng phổ biến hiện nay dễ bị tắc nghẽn khiến cho nhiều hộ do dự khi đầu tư công nghệ này.

 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
 
 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị.
Ảnh: Đình Nhi

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhìn nhận: Thời gian qua đã có nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng và mang lại nhiều kết quả cho vùng khô hạn. Tuy nhiên, hầu hết các đề tài chỉ thiên về tính toán nhằm tiết kiệm nước tưới mà chưa xem xét đến công nghệ tưới nào phù hợp cho từng loại cây trồng, dẫn đến kết quả đạt được chưa như mong muốn. Hàng loạt hạn chế như thiếu các mô hình trình diễn gắn với sản xuất thực tiễn các vùng trồng nho, táo của người dân để có thể học hỏi trực quan, thiếu quy trình sản xuất đồng bộ, thiếu dịch vụ hỗ trợ thiết bị tưới… là cản trở tiến độ chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất.

Sau khi phân tích tính ưu việt của công nghệ tưới tiết kiệm nước, các đại biểu cho rằng việc tiếp tục nhân rộng mô hình trên quy mô lớn vào thời gian tới là cần thiết. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 tiếp tục nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước trên diện tích 14.700 ha. Để đạt mục tiêu, các địa phương đề nghị cần hỗ trợ 180 mô hình tại tất cả các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Tuy vậy, các đại biểu đều nhìn nhận giải pháp nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước mang tính bền vững nhất là bản thân người nông dân phải chủ động liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất để chuyển giao công nghệ. Chỉ có doanh nghiệp mới đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, phương tiện sản xuất theo mô hình công nghệ cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Thời gian qua, từ nguồn vốn các chương trình, dự án, ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều mô hình chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm. Tuy nhiên, công tác triển khai mô hình chưa được đặt ra một cách nghiêm túc, cách chức tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, đề nghị các ngành, địa phương đánh giá lại hiệu quả của các mô hình, qua đó lựa chọn công nghệ tưới tiết kiệm nước tối ưu, phù hợp với từng loại cây trồng chuyển giao cho nông dân.