Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020

LTS: Ngày 26-10-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Quyết định số 06-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

I- Thực trạng ngành công nghiệp của tỉnh

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 7-11-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XII) về phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển trên một số mặt; hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư; hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất công nghiệp và đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ bước đầu được chú trọng. Nhiều chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp được triển khai; một số dự án sản xuất công nghiệp mới được đầu tư đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực chế biến. Công tác đào tạo nghề cho lao động sản xuất công nghiệp được quan tâm. Ngành công nghiệp từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và nâng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, đó là: Ngành công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có sự bứt phá; năng lực sản xuất mới tăng chậm; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn thấp. Chủ trương thu hút các doanh nghiệp mạnh vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp có lợi thế còn hạn chế. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả đạt được của một số chỉ tiêu còn thấp so với Nghị quyết đề ra.

Về nguyên nhân: Công tác lãnh đạo của một số cấp uỷ đảng, chính quyền và vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thật sự đồng bộ, chưa quyết liệt; công tác xúc tiến đầu tư và giải quyết, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư chưa thật sự có hiệu quả. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ mạnh để tạo động lực thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư.

II- Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020

1- Quan điểm

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng chú trọng các ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp; bảo đảm phát triển công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững.

- Phát triển công nghiệp phải gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh và tăng cường tiềm lực khoa học-công nghệ.

- Phát triển công nghiệp gắn bảo vệ môi trường, xem bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển; kiên quyết không thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

- Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng. Khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

2- Mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2020

- Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nặng, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp khác và tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng thu ngân sách.

- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn; nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực (nhân điều, tôm đông lạnh,...); coi trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

- Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân hàng năm 19-20%; ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng GRDP của tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 150 triệu USD.

- Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân hàng năm 16-18%; tạo việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động.

III- Các nhiệm vụ trọng tâm

1- Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến có lợi thế theo hướng hội nhập, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng

Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, chế biến thực phẩm và đồ uống theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng và có năng lực cạnh tranh cao gắn với việc chủ động nguồn nguyên liệu tại địa phương: chế biến thủy sản 8.000 tấn/năm, nhân điều 8.000 tấn/năm, đường RS 20.000 tấn/năm, muối tinh 200.000 tấn/năm, bia 100 triệu lít/năm,...

Xúc tiến, thu hút, kêu gọi đầu tư với quy mô phù hợp nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất các mặt hàng như: chế biến thịt và thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất bột cá; chế biến nho, táo, nha đam; sản xuất nước giải khát và các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chế biến giai đoạn 2016-2020 từ 20-25%/năm.

Tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh như nhân hạt điều, thủy sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp,… Phấn đấu đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng công nghiệp chế biến đạt 130 triệu USD, chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; trong đó, chế biến thủy sản đạt 70 triệu USD, chế biến nông sản đạt 60 triệu USD.

2- Về phát triển công nghiệp năng lượng

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Tập trung thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng,...).

Trước mắt, tập trung ưu tiên và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy hoạch như: Dự án mở rộng thủy điện Đa Nhim (80 MW), thủy điện Tân Mỹ (10 MW); điện gió Công Hải (40,5 MW), Mũi Dinh (37,6 MW), Trung Nam (90 MW)...; thủy điện tích năng Bác Ái (1.200 MW).

3- Về phát triển công nghiệp nặng

Phát triển công nghiệp nặng phải đảm bảo hài hoà, bền vững, phù hợp với định hướng phát triển chung và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; chú trọng kiểm soát đầu tư, bảo đảm công nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Tập trung triển khai đầu tư Khu công nghiệp Cà Ná, cảng biển quốc tế Cà Ná và ga đường sắt Cà Ná, làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo động lực bứt phá để phát triển công nghiệp đối với khu vực phía Nam của tỉnh, từng bước hình thành khu đô thị công nghiệp. Trước mắt, tập trung hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định để sớm triển khai, đưa vào hoạt động dự án nhà máy cán thép Cà Ná nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất ô tô, các máy móc, thiết bị công nghiệp, thép xây dựng...

4- Về khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng

Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa. Các dự án khai thác phải gắn với chế biến sâu để gia tăng giá trị và hướng đến xuất khẩu. Nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng: gạch, xi măng, đá xây dựng…Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại vật liệu mới.

5- Về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Tập trung đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường như: sản xuất linh kiện, phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, các loại linh kiện, mạch điện tử, cánh quạt gió, thân trụ điện gió, sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu ngành dệt may, da giày và công nghiệp cơ khí... nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa hóa và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng giá trị ngành công nghiệp.

6- Về phát triển các ngành công nghiệp khác

Tiếp tục phát huy tối đa công suất của các nhà máy sản xuất bao bì, dệt khăn bông, may công nghiệp …; khuyến khích đầu tư nâng cấp công nghệ mới có sức cạnh tranh cao. Hỗ trợ, đào điều kiện mở rộng, nâng công suất các nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải và các sản phẩm khác từ rác thải như điện sinh khối, than hoạt tính, nhựa tái sinh. Chú trọng thu hút đầu tư sản xuất muối tinh và các sản phẩm sau muối.

7- Về phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

Tiếp tục hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống hiện có; xây dựng mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Hình thành các mô hình sản xuất kinh doanh theo tổ, nhóm nhằm tạo điều kiện tập trung nguồn lực về vốn, năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tổ chức liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nhất là xuất khẩu các sản phẩm làng nghề truyền thống (nước mắm, chế biến rượu nho ...).

Tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Phấn đấu giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới.

8- Đẩy nhanh chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp

Tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo sức hấp dẫn thu hút các dự án động lực quan trọng cho phát triển của tỉnh. Tăng cường công tác hậu kiểm, kiên quyết chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án vi phạm tiến độ để kêu gọi nhà đầu tư mới, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.

Tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư vào các dự án khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có đạt từ 50%-80%. Quan tâm đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp như: Tri Hải, Hiếu Thiện, Phước Tiến, Quảng Sơn; chế biến thủy sản tập trung. Có chính sách hỗ trợ hiệu quả để xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, xã hội cho công nhân lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp.

IV- Một số giải pháp chủ yếu

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển công nghiệp, xem đây là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương; đồng thời, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế-xã hội phải đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường.

2- Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, các nguồn vốn xã hội hoá để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; quan tâm đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná, cảng biển quốc tế Cà Ná và ga đường sắt Cà Ná. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các quy hoạch đô thị ven biển, quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp khu vực phía nam của tỉnh.

3- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh nhằm tạo động lực thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Sớm ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách tín dụng, phát triển khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách khuyến công... bảo đảm đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực công nghiệp có lợi thế. Tăng cường công tác đối thoại doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

4- Thực hiện đầy đủ quy trình về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đăng ký đầu tư trước khi tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực quản lý gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện quan trắc môi trường, bảo đảm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

5- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học,

áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Khuyến khích đổi mới các thiết bị, công nghệ gây ô nhiễm môi trường bằng các thiết bị, công nghệ ít hoặc không gây ô nhiễm; tăng cường áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh cải tiến các trang thiết bị xử lý chất thải để nâng cao hiệu quả xử lý, thu gom các chất thải, khí thải độc hại, góp phần hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

6- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về công nghiệp. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, nâng cấp Trường Cao đẳng nghề có chất lượng cao, thực hiện đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tự đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án phát triển công nghiệp của tỉnh.

V- Tổ chức thực hiện

1- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động trong toàn Đảng bộ và Nhân dân; đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

2- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020 để thực hiện; bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết; xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương và cơ chế phối hợp trong việc tổ chức thực hiện; rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

3- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút phù hợp, đồng thời tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

4- Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh chỉ đạo triển khai quán triệt Nghị quyết và có các hình thức phù hợp để vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia phát triển công nghiệp theo kế hoạch đề ra.

5- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn triển khai, quán triệt Nghị quyết; chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết và các chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời nhân rộng và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất sạch, thân thiện môi trường.

6- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban đảng tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; định kỳ hàng năm, 3 năm, 5 năm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung Nghị quyết đề ra.

Nghị quyết này phổ biến đến các chi, đảng bộ.