Bác Ái: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016

(NTO) Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016, đến nay, kết quả các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội của huyện Bác Ái đều tăng so với cùng kỳ. Còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đang nỗ lực, phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra.

Trong số các chỉ tiêu gần “cán đích”, đáng kể nhất là tổng diện tích gieo trồng hơn 8.500ha, đạt 75% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ. Việc mở rộng diện tích sản xuất góp phần tăng tổng sản lượng lương thực 26% so với cùng kỳ. Năm trước, huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhưng kết quả chưa được như mong muốn, do đó thành quả trên là đáng ghi nhận.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện trong việc thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với điều kiện thời tiết hạn hán của tỉnh. Những tháng đầu năm, trước diễn biến của thời tiết phức tạp, nắng hạn kéo dài, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, 9 xã trên địa bàn quy hoạch các vùng trồng đậu xanh, bắp lai thay vì trồng lúa như trước đây. Cùng với đó, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình có hiệu quả kinh tế cao như trồng đậu xanh trên đất lúa thiếu nước ở xã Phước Chính, Phước Trung; mô hình xen canh cây trồng ở Phước Tiến, bắp lai ở Phước Đại... cũng là yếu tố góp phần đạt tổng sản lượng lương thực 5.724 tấn.

 
Nông dân huyện Bác Ái thực hiện mô hình xen canh cây đậu xanh-mỳ cao sản đạt hiệu quả kinh tế cao.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có chuyển biến tích cực. Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của hạn hán, nhưng vẫn duy trì được tổng đàn gia súc 41.362 con, đạt 90% kế hoạch. Kinh nghiệm của huyện để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững là phát huy tiềm năng, lợi thế vùng núi, xây dựng các trang trại. Đến nay, toàn huyện có khoảng 50 trang trại, gia trại hoạt động có hiệu quả. Trong đó, các trang trại chăn nuôi heo gia công tập trung tiếp tục được mở rộng với 12 trang trại đạt chuẩn, tổng đàn trên 18.000 con. Thời điểm nắng hạn gay gắt, để bổ sung nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp, huyện đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá, củ mì, thân cây bắp, rơm rạ tươi ủ bằng men sinh học làm thức ăn cho gia súc; đồng thời, vận động bà con di chuyển gia súc từ rẫy núi về gần nhà, gần khu vực có nguồn nước nên hạn chế được nhiều thiệt hai.

Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu năm đến nay ở huyện Bác Ái có thể nhìn nhận, không riêng gì sản xuất nông nghiệp mà một số lĩnh vực khác cũng đạt những kết quả nhất định. Tuy vậy, vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt thấp so với kế hoạch, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao của toàn hệ thống chính trị trong những tháng cuối năm. Khó khăn nhất là tỷ lệ giải quyết việc làm thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học cách nhật ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, huyện giải quyết việc làm 772 lao động, đạt 62% kế hoạch, giảm 16% so với cùng kỳ; hàng trăm học sinh bỏ học, bỏ học cách nhật tập trung nhiều nhất ở bậc THPT. Huyện đề ra mục tiêu từ nay đến cuối năm giải quyết việc làm cho 478 lao động; về lĩnh vực giáo dục, ít nhất có 2 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đồng chí Mẫu Thái Phương phân tích: Cả hai lĩnh vực trên có tương tác lẫn nhau, nếu làm tốt công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thì hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rẫy. Để tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, giải pháp của huyện là tăng cường công tác đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu, chú trọng những nghề xã hội cần, phù hợp với dân trí vùng cao như chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng, may mặc; đồng thời, mở rộng hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Bên cạnh quy trì hoạt động chợ Phước Đại tại trung tâm huyện và chợ phiên Phước Tiến, thì đưa chợ Phước Thắng vào hoạt động vào cuối năm nay, tiếp tục xây dựng chợ Phước Bình. Khi mạng lưới chợ phủ rộng đến các vùng nông thôn sẽ hình thành lực lượng tham gia vào lĩnh vực mua bán, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản vùng cao, qua đó tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân. Tuy vậy, giải pháp tạo việc làm "sát sườn” với người vùng cao vẫn là phát triển nghề truyền thống. Huyện ủy, UBND huyện đang chỉ đạo tập trung xây dựng làng nghề đan lát Suối Rua (xã Phước Thắng) sớm đi vào hoạt động ổn định. Triển khai Chương trình 135 giai đoạn III-2016; phân bổ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo. Riêng giải pháp giáo dục không gì hơn là triển khai kịp thời các chế độ, chính sách cho học sinh và giáo viên đúng quy định để tạo điều kiện cho con em các gia đình khó khăn đến trường, giáo viên bám trường, bám lớp.

Có thể nói, dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn nhưng huyện Bác Ái đã đạt được những kết quả nhất định. Thành tích này tạo đà để huyện phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2016.