Phóng viên: Tiến sỹ có thể đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác GD&ĐT của nhà trường trong thời gian qua?
|
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐSP Ninh Thuận |
- Tiến sỹ Lê Anh Tuấn: Trong năm học vừa qua, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên (SV) nhà trường, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Sở GD&ĐT, tập thể nhà trường tự hào về những kết quả đã đạt được. Nổi bật là quy mô đào tạo được ổn định, chất lượng đào tạo từng bước nâng lên và việc đổi mới giáo dục tại trường đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, bình quân hằng năm nhà trường có khoảng 1.000 SV, học viên. Tuyển sinh các lớp CĐSP đạt 100%, với chất lượng khá cao: Điểm chuẩn tuyển sinh vào Trường CĐSP Ninh Thuận cao hơn điểm sàn Đại học (17 điểm so với 15 điểm) và có nhiều thí sinh đạt điểm cao khi thi vào trường. Quá trình đào tạo thực hiện đạt chuẩn đầu ra. Ngoài ra, SV còn được tăng cường rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng hợp tác thông qua các hoạt động phục vụ cộng đồng. Vì vậy, SV hằng năm ra trường cơ bản đã tìm được việc làm và được các cơ quan tuyển dụng đánh giá khá tốt về năng lực chuyên môn. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã được đẩy mạnh thực hiện. Công tác giáo dục truyền thống, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và SV nhà trường luôn được duy trì và đi vào nền nếp. Công tác dạy và học luôn được chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, không ngừng đổi mới về phương pháp theo hướng tiếp cận và phát triển năng lực người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT; công tác nghiên cứu khoa học được định hướng phục vụ sự nghiệp GD&ĐT, thu hút nhiều giảng viên tham gia. Năm qua đã có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học (cấp trường: 44; cấp ngành: 10; cấp tỉnh: 3; có 5 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước)... Với những thành tích đạt được, trong năm học 2015-2016, nhà trường được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua Xuất sắc và nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc. Có thể nói rằng nhà trường đã tiếp tục duy trì và khẳng định được hình ảnh, vị thế của mình, được đánh giá tốt về mặt dư luận xã hội.
Nữ sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên
Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Tiến sỹ cho biết trong năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, nhà trường thực hiện mục tiêu trên như thế nào?
- Tiến sỹ Lê Anh Tuấn: Trong năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, trên tinh thần phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các năm học trước, nhà trường tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển nhà trường. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW bằng sự đột phá theo định hướng “Tích cực đổi mới sư phạm và đón đầu đổi mới phổ thông” với những nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể giảng viên, cán bộ, viên chức và SV trong toàn trường về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Mục tiêu là làm cho tất cả các thành viên hiểu rõ để xác định đúng trách nhiệm và tích cực tham gia một cách có hiệu quả vào công cuộc đổi mới GD&ĐT, đặc biệt là giảng viên sư phạm phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Hai là, thực hiện đổi mới sư phạm theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội, chú ý đón đầu phục vụ đổi mới phổ thông. Mục tiêu đào tạo của nhà trường được cụ thể hóa: SV phải làm được việc ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, đặc biệt là SV các ngành CĐSP phải tham gia dạy được ngay tại trường phổ thông, kể cả dạy theo các mô hình dạy học tích cực.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Chúng tôi xem đây là giải pháp đột phá, đảm bảo nguồn nhân lực để nhà trường thực hiện tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tỉnh nhà. Tổ chức đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, trong đó chú trọng đổi mới công tác quản lý của nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về GD&ĐT.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sỹ Lê Anh Tuấn.
Thế Quang (thực hiện)