Kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới: Sản xuất lương thực và nông nghiệp phải thay đổi do biến đổi khí hậu

(NTO) Ngày 14-10, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Lương thực thế giới 2016 với chủ đề “Sản xuất lương thực và nông nghiệp phải thay đổi do biến đổi khí hậu”, đây cũng là sự kiện đánh dấu kỷ niệm 71 năm Ngày Thành lập tổ chức FAO. Các đồng chí: Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đồng chủ trì buổi lễ.

 
Các đồng chí: Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
và ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đồng chủ trì buổi lễ.
 
 
Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi lễ.
 
 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Ninh Thuận là một trong những vùng thường xuyên phải gánh chịu tổn thất to lớn do hạn hán gây ra. Đặc biệt từ cuối năm 2014 đến tháng 6-2016, tình hình hạn hán gay gắt và diễn ra trên diện rộng là đợt hạn khốc liệt nhất trong vòng 11 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh. Nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị có lợi thế cạnh tranh, sử dụng hiệu quả nguồn tai nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai và nguồn nước.

 
Các đồng chí: Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
và ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản Ninh Thuận.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Chủ đề Ngày Lương thực thế giới năm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam, bởi nông nghiệp quyết định việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần tích cực vào giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập ổn định; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người nghèo…, bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội.