Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Hải, qua 5 năm triển khai thực hiện NQ trên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực. Tính từ năm 2011-2015, huyện Ninh Hải đã tổ chức đào tạo được 69 lớp nghề cho 2.214 học viên, hoàn thành kế hoạch theo NQ số 09-NQ/HU đề ra trong giai đoạn 2011-2015 (đào tạo từ 2.000-2.200 người), trong đó bao gồm đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp. Về đào tạo nghề phi nông nghiệp, toàn huyện có 11 lớp dạy nghề chế biến thuỷ sản, lái xe ô tô hạng B2, may công nghiệp, nghiệp vụ du lịch… Trong số 346 học viên, sau khi học nghề có 233 người được giới thiệu việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, số còn lại tự tạo việc làm. Đối với đào tạo nghề nông nghiệp, có 58 lớp (1.868 học viên) dạy các nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng nho an toàn, nuôi tôm sú, trồng nấm, trồng tỏi, nhân lúa giống, nuôi rong sụn… Hầu hết học viên sau khi học nghề đã vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học và các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả lao động, tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo cho lao động nông thôn tại địa phương. Điển hình tại xã Xuân Hải, qua 5 năm đã có hơn 150 lao động được vay vốn để đầu tư sản xuất sau khi được đào tạo nghề.
Hội Nông dân Ninh Hải tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho nông dân xã Nhơn Hải.
Có thể nói kết quả trên đã đóng góp đáng kể vào công tác đào tạo nguồn nhân lực ở Ninh Hải, tác động đến việc giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt với tỷ lệ đạt 76% lao động sau khi học nghề có việc làm hoặc vận dụng, áp dụng kỹ thuật vào thực tế sản xuất có hiệu quả, đã vượt xa yêu cầu mức đạt tối thiểu là 60% theo chỉ tiêu NQ đề ra cho giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra còn phải kể tới các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã tổ chức 205 lượt đào tạo nghề, tập huấn bồi dưỡng ngắn ngày về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 6.150 lao động nông thôn, qua đó góp phần nâng cao trình độ, kiến thức áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động ở Ninh Hải.
Bên cạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Huyện ủy Ninh Hải còn chú trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ (CB), công chức cấp xã hiện nay và góp phần hoàn thành tiêu chí số 18 về xây dựng nông thôn mới (NTM). Cụ thể các xã, thị trấn đã đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo đề án 1956 cho 205 người, trong đó đào tạo sau đại học 1 người, đại học 19 người, trung cấp ngành Quân sự 10 người, lý luận chính trị cao cấp 2 người và trung cấp 21 người. Đến cuối năm 2015, 100% CB, công chức cấp xã ở Ninh Hải đã đạt chuẩn so với mục tiêu đề ra. Hiện nay, Ninh Hải đang tiếp tục đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học cho 37 người, cao cấp lý luận chính trị cho 2 người và trung cấp cho 31 người là CB, công chức cấp xã.
Tiếp tục thực hiện NQsố 09-NQ/HU, trong giai đoạn 2016-2020, Ninh Hải đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho từ 2.250-2.500 lao động nông thôn, trong đó trên 80% lao động sau khi học nghề tìm được việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất, tạo thu nhập ổn định. Mục tiêu đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng NTM. Theo đó, để người lao động được học nghề, hằng năm Ninh Hải rà soát danh sách người lao động chưa qua đào tạo, không có việc làm, việc làm không ổn định, phân công nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể, Ban Quản lý thôn, khu phố theo dõi, vận động, đề xuất biện pháp giúp đỡ.
Để thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy Ninh Hải nhấn mạnh giải pháp trọng tâm là cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với chủ trương, biện pháp theo tinh thần nội dung NQ số 09-NQ/HU, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020. Việc đào tạo chú trọng nghề phi nông nghiệp, được tiến hành theo hướng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.
Bạch Thương