Tổ chức tại TP. Đà Nẵng nhân dịp Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5), hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ một số quốc gia, Tổ chức Du lịch Thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thể thao và đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương trong cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sau Tuyên bố Barcelona 2001 do Tổ chức Du lịch Thế giới và Ủy ban Olympic Thế giới phát động, sự gắn kết thể thao và du lịch trở thành hai động lực rất quan trọng đối với phát triển, mang lại lợi ích cho rất nhiều quốc gia, người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Thông qua du lịch, thể thao mọi người cùng có cơ hội vươn lên
vượt qua chính mình, khám phá thế giới, cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới để có một cuộc sống ý nghĩa hơn”. Ảnh: VGP/Đình Nam
Được đánh giá là ngành kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất của nhiều quốc gia, du lịch hiện đang đóng góp khoảng 10% GDP và 4% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Tương tự, thể thao được nhìn nhận là ngành công nghiệp giải trí số 1 thế giới, đang có sự phát triển nhanh hơn so với các ngành khác.
“Thông qua du lịch, thể thao và sự kết hợp này, mọi người, mọi du khách cùng có cơ hội vươn lên vượt qua chính mình, khám phá thế giới, cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mới để có một cuộc sống ý nghĩa hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Khẳng định định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng tin tưởng những kinh nghiệm, bài học được chia sẻ tại hội nghị sẽ tiếp thêm động lực để Việt Nam xây dựng và triển khai chương trình phát triển du lịch mới, trong đó du lịch-thể thao cũng là một hướng phát triển sản phẩm hết sức quan trọng.
“Du lịch và thể thao không chỉ đơn giản là những nhịp cầu nối liền giao lưu giữa con người, giữa các dân tộc mà sẽ là “xa lộ” lớn để các dân tộc đến với nhau nhanh hơn, gần hơn, đem đến hòa bình, thịnh vượng cho thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Các tham luận tại hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung lớn về phát triển du lịch, thể thao.
Trước hết là xu hướng phát triển của du lịch gắn với các hoạt động thể thao trong mối quan hệ tương hỗ, đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Quan điểm, cách tiếp cận và kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch-thể thao cũng như phương thức quảng bá sản phẩm du lịch-thể thao như du lịch mạo hiểm, golf, leo núi, biển… đã được đại biểu trình bày.
Thực tế tại những quốc gia phát triển về du lịch như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... nơi có tất cả các hoạt động tham gia các loại hình thể thao từ câu cá, leo núi, chèo thuyền đến việc du lịch hay tham gia một sự kiện thể thao ở quy mô khu vực hay toàn cầu, đã đem đến cách nhìn hoàn toàn mới đối với khái niệm du lịch-thể thao.
Vì vậy sự kết hợp giữa du lịch và thể thao có khả năng tạo nên nguồn lực phát triển mới, bền vững cho rất nhiều quốc gia..
Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu. Ảnh: VGP/Đình Nam
Các diễn giả đến từ Tây Ban Nha, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Maylaysia và Việt Nam cùng chung nhận định sự kết hợp giữa du lịch và thể thao là hoàn hảo, không biên giới, không bị hạn chế bởi bất kỳ yếu tố nào như văn hóa, giới tính, địa vị xã hội. Thị trường dành cho du lịch-thể thao cũng vậy, có thể là mọi đối tượng trong xã hội. Với nhu cầu và động lực đa dạng này, trong tương lai, hầu hết các điểm đến đều nhận ra tài nguyên thích hợp để khai thác du lịch-thể thao.
Lợi ích từ du lịch-thể thao lan tỏa rộng hơn, mang lại giá trị lớn hơn từ việc đăng cai những sự kiện thể thao lớn thông qua việc nhận diện thương hiệu quốc gia, có được sự công nhận của các vận động viên tham gia sự kiện, hấp dẫn du khách với những sản phẩm du lịch đi kèm trong sự kiện thể thao…
Hội nghị sẽ kết thúc với việc thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về du lịch và thể thao vì sự phát triển bền vững, là văn kiện chính thức của Tổ chức Du lịch Thế giới nhằm thu hút sự quan tâm của các chính phủ, điểm đến, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng trong việc xây dựng và thực thi các chính sách thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch và thể thao.
Nguồn www.chinhphu.vn