Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự hội thảo về khởi nghiệp
Ngày 21/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã dự hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - bài học thực tiễn từ Israel” do UBND TP. Hà Nội, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Tập đoàn FPT đồng tổ chức.
Theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực khởi nghiệp-sáng tạo, Israel được coi là một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới và Việt Nam cần học tập cả về lý luận, thực tiễn của quốc gia này.
Thay mặt Chính phủ phát biểu với cộng đồng khởi nghiệp (startup), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận được từ hội thảo về “văn hóa khởi nghiệp”. Đó không phải đơn thuần là giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường như trước, mà nay, khởi nghiệp phải là của cả quốc gia, của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn, diễn ra không ngừng nghỉ; phải học văn hóa chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm; là văn hóa chia sẻ - hợp tác của những startup đã thành công với những ý tưởng mới hình thành.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng lý giải mức độ rủi ro cao thì tại sao các nhà đầu tư và Nhà nước lại tham gia vào, vì rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và khởi nghiệp là sự dấn thân của người tiên phong, dám chấp nhận mạo hiểm. Mười ý tưởng khởi nghiệp thì có tới 7 ý tưởng “thua”, 3 “thắng” nhưng có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư.
Còn Nhà nước khi tham gia, hỗ trợ cho khởi nghiệp sẽ có lợi ở nhiều thứ: Tăng việc làm, thu nhập, tăng trưởng kinh tế để có điều kiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, là những lợi ích không tính được bằng tiền. Mặt khác với tư cách nhà đầu tư mạo hiểm (thông qua các quỹ đầu tư) thì Nhà nước sẽ có lợi thế kinh tế từ thoái vốn, hoàn lại các tài sản đầu tư ban đầu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tóm lược các công việc mà Chính phủ, các bộ, ngành cần thực hiện: Một là xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia và các trung tâm hỗ trợ cho khởi nghiệp. Hai là đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức khởi nghiệp cho xã hội. Ba là xây dựng khung khổ pháp lý cho các chính sách tài chính, tiếp cận tín dụng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, có các chính sách liên quan tới thuế, thuế thu nhập cá nhân trong các giai đoạn phát triển của các startup, có chính sách tín dụng sử dụng trí tuệ như tài sản và tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ mong muốn các startup mạnh dạn hơn nữa, chấp nhận rủi ro, tăng cường chia sẻ hợp tác, xây dựng văn hóa khởi nghiệp; cộng đồng startup đổi mới hơn sáng tạo hơn nữa; chủ động đề xuất sáng kiến chính sách cho Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính phủ luôn lắng nghe và thảo luận các kiến nghị chính sách với cộng đồng startup.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn TP. Hà Nội có thể trở thành nơi thí điểm các thể chế chính sách để trở thành trung tâm khởi nghiệp của đất nước.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISSA) chính thức ra mắt website và tuyển các khởi nghiệp công nghệ (startup) trong khu vực Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ KH&CN về triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ
Làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, ngày 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa ngay các thông tư, quy định về kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện có khoảng 74 nghìn doanh nghiệp (DN) tham gia xuất nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực, trong đó riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày. Đồng thời nếu giảm được 1 ngày thủ tục thông quan sẽ giúp DN tiết kiệm 200 USD một lô hàng. Trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 8,3 triệu lô hàng, 36% trong số đó bị kiểm tra, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần các quốc gia trong TPP và gấp 3 lần EU.
“Nhưng quan trọng hơn là chất lượng kiểm tra, kết quả kiểm tra rất thấp, phát hiện vi phạm không đang kể, hầu hết hàng hóa đều qua. Điều này đang cản trở sự phát triển. Vì 94% lượng hàng nhập khẩu là để phục vụ sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Trước thực trạng trên, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% vào cuối năm nay.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để giảm được thời gian thông quan hàng hóa – một trong những yêu cầu trọng tâm của Nghị quyết 19 của Chính phủ, thì vai trò của Bộ KH&CN là rất quan trọng. Vì hai luật gốc của hoạt động quản lý chuyên ngành là Luật Chất lượng sản phẩm và Luật Đo lường.
Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cải cách kiểm tra chuyên ngành nghe qua dường như không liên quan KHCN nhưng sự đóng góp của các đồng chí rất quan trọng. Giảm thời gian thông quan được 1 ngày thì 1 năm chúng ta tiết kiệm được ít nhất 800 triệu USD, bằng đúng kinh phí cấp cho ngành KHCN hằng năm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu sửa ngay Thông tư 28 về công bố hợp chuẩn, hợp quy trong thời gian ngắn nhất trên tinh thần “sửa đâu chắc đấy” để các Bộ (Công Thương, Y tế, NN&PTNT...) có cơ sở sửa đổi các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý.
Phó Thủ tướng lưu ý thêm, về lâu dài, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đòi hỏi Việt Nam phải rà soát, sửa đổi nhiều luật trong đó có các luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa. Nhưng trước mắt nếu tập trung vận dụng linh hoạt các quy định của luật hiện hành có thể xử lý được tới 80% vướng mắc hiện tại.
Liên quan đến mục tiêu giảm số mặt hàng và thời gian kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngay tuần tới các Bộ phải đưa ra đề xuất cụ thể, thống nhất thực hiện theo đúng Nghị quyết 19 của Chính phủ./.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gặp Thống đốc Saint Petersburg
Chiều 20/9 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gặp Thống đốc Saint Petersburg Poltavchenko Georgy Sergeevich.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thống đốc Saint Petersburg Poltavchenko Georgy Sergeevich cho biết hợp tác giữa Thành phố với Việt Nam và các địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cả hai bên. Đặc biệt trong thời gian sắp tới, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp hai bên.
Thống đốc Poltavchenko Georgy Sergeevich cho biết, hiện tại có nhiều doanh nghiệp của Saint Petersburg rất quan tâm đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chế tạo máy, xuất nhập khẩu nông-thuỷ sản… Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục cũng còn rất nhiều tiềm năng mà cả hai bên chưa khai thác được.
Cảm ơn ngài Thống đốc về sự đón tiếp trọng thị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ vui mừng được đến thăm Saint Petersburg, thành phố của những di tích nổi tiếng, cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của Liên bang Nga, nơi diễn ra phiên họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Việt-Nga.
“Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga với sự tin cậy, thuỷ chung cùng những tình cảm đặc biệt của nhân dân hai nước là nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa hai bên”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao việc tăng cường và củng cố quan hệ giữa các địa phương hai nước thông qua việc trao đổi đoàn thường xuyên giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam và các chủ thể của Liên bang Nga. Đặc biệt, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm của các chuyến thăm địa phương, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
“Tôi cho rằng, quan hệ hợp tác hiệu quả giữa các địa phương sẽ là nhân tố mới để thúc đẩy quan hệ hợp tác nói chung giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các địa phương hai nước hợp tác trực tiếp, thiết thực và hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Thống đốc Poltavchenko Georgy Sergeevich quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam tìm hiểu, thâm nhập thị trường Saint Petersburg nói riêng, thị trường Nga nói chung.
Nguồn Văn phòng Chính phủ