Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý

Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào chiều 20/9.

Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) (TGPL) được xây dựng gồm 8 chương, 49 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, khái niệm TGPL, nguyên tắc hoạt động TGPL, chính sách của Nhà nước về TGPL; quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; tổ chức thực hiện TGPL; các trường hợp không được thực hiện TGPL; quy trình thực hiện TGPL; hồ sơ, lưu trữ hồ sơ vụ việc TGPL; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động TGPL; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp trong hoạt động TGPL...

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật TGPL (sửa đổi) được trình bày tại phiên họp cho biết, Quốc hội khóa XI thông qua Luật TGPL ngày 29/6/2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.

Trong 9 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, các tổ chức thực hiện TGPL đã giải quyết 1.055.294 vụ việc với 1.130.609 lượt người được TGPL, trong đó có 61.120 vụ việc tham gia tố tụng, 982.442 vụ việc tư vấn pháp luật (tư vấn pháp luật thông qua các đợt TGPL lưu động là 499.495 vụ), 11.732 vụ việc khác.

Hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc với 63 trung tâm TGPL Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp, 202 chi nhánh của trung tâm ở cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia TGPL. Đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 595 trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên TGPL là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia TGPL.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, nhiều chính sách cải cách được thông qua, trong đó có việc tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động TGPL đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và cùng với việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 thì việc nghiên cứu, sửa đổi Luật TGPL là cần thiết.

Cũng theo Tờ trình, mục tiêu của việc sửa đổi Luật TGPL nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động TGPL; tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được TGPL có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL; bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật TGPL (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định tán thành với sự cần thiết ban hành, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động TGPL hiện nay. Đồng thời nhấn mạnh, dự án Luật thể hiện nhiều quan điểm, chính sách mới cả về phạm vi đối tượng, nội dung, hình thức, thủ tục thực hiện TGPL nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TGPL tới người dân. Cơ quan soạn thảo đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình xây dựng luật. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc và đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định.

Cơ bản đồng ý với sự cần thiết ban hành, nội dung, bố cục của dự án Luật, phát biểu thảo luận tại phiên họp, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng dự án Luật TGPL (sửa đổi) cần đặc biệt quan tâm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các bộ luật, luật về tố tụng, tổ chức bộ máy và ngân sách. Phải lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trung tâm; bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL, huy động tốt các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL. Đồng thời, cần hết sức quan tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TGPL, cũng như nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong nguyên tắc về trợ giúp pháp lý cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng thực sự khó khăn về tài chính, không thể tự mình giải quyết được một việc nào đó liên quan đến pháp lý mà cần phải có sự hỗ trợ. Trên tinh thần này, cần tiếp tục rà soát lại quy định về các đối tượng được TGPL theo quy định trong dự án Luật, bảo đảm hoạt động TGPL được thực hiện hiệu quả, đúng đối tượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý một cách phù hợp trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và thực tiễn công tác TGPL hiện nay; tiếp tục bố trí, dành nguồn tài chính thỏa đáng hỗ trợ cho công tác này, cũng như phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong hoạt động hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền và phổ biến pháp luật.

Nhấn mạnh quan điểm xây dựng dự án Luật TGPL (sửa đổi) phải đặc biệt quan tâm đến bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là Luật Luật sư, Luật Tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần làm rõ hơn nội hàm quy định về trung tâm TGPL; tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý; người được TGPL...

Cho rằng quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý như trong dự thảo Luật là chưa đầy đủ, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần mở rộng đối tượng thuộc diện được TGPL. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất cần có chính sách thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động TGPL và tuyên truyền pháp luật, qua đó một mặt tận dụng được trí tuệ, trình độ và nguồn lực trong xã hội, mặt khác góp phần làm giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước cho hoạt động TGPL, tuyên truyền và phổ biến về pháp luật.

Phát biểu kết thúc thảo luận đối với dự án Luật TGPL (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, UBTVQH tán thành với quan điểm về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật này; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục tập trung đánh giá tác động của Luật khi được ban hành, cũng như tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để tiếp tục rà soát, bổ sung, sớm hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ hai diễn ra vào tháng 10 tới.

Nguồn www.chinhphu.vn