Ô nhiễm rác thải tại 2 xã Phước Diêm, Cà Ná

(NTO) Tình trạng ô nhiễm rác thải tại 2 xã vùng biển Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) đã xảy ra từ nhiều năm qua. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực tìm hướng giải quyết nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực.

Đến xã Cà Ná và Phước Diêm, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt đó là hình ảnh về rác thải. Tại cầu cảng, cổng thôn, khu dân cư, kè biển, đâu cũng đầy rác thải. Tập trung nhiều nhất là khu vực hai bên đường từ cổng chào thôn Lạc Sơn 2 (xã Cà Ná) đến khu vực cuối cảng Cà Ná thuộc thôn Lạc Nghiệp (xã Cà Ná). Rác được vứt bừa bãi, ngổn ngang đủ các loại như bao bì, túi ni lông, giỏ tre, thùng xốp, xác động vật... Rác ứ đọng lâu ngày bốc mùi nồng nặc và đầy ruồi nhặng…

 
Nhiều khu vực tại xã Phước Diêm, Cà Ná tràn ngập rác thải.

Theo UBND xã Phước Diêm, tại địa phương có Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp, điện năng Cà Ná thực hiện việc thu gom rác cho cả 2 xã Phước Diêm và Cà Ná. Lượng rác thu gom trước đây được tập trung về bãi rác chung tại xã Cà Ná, nhưng do hạn chế về năng lực nên HTX không thể đầu tư đủ phương tiện, nhân lực thu gom hết lượng rác tại địa phương. Ông Bạch Thuận Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Diêm, cho biết: HTX có xe tải vận chuyển rác nhưng thường hư hỏng nên có lúc rác bị dồn ứ. Trong khi đó, chỉ có khoảng 60% hộ dân tham gia đóng phí vệ sinh môi trường nên HTX thu không đủ bù chi. Hàng năm, UBND xã vẫn phải trích kinh phí hỗ trợ để duy trì công tác thu gom, xử lý rác thải. Khó khăn nhất hiện nay là địa phương hiện vẫn chưa quy hoạch được khu vực tập kết, xử lý rác.

Ông Phan Thành Sơn, Chủ tịch UBND xã Cà Ná, cho biết thêm: Do địa bàn tập trung dân cư, nhiều chủ tàu thuyền tại địa phương và vãng lai đến cảng neo đậu ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường chưa tốt, thường có thói quen xả thải xuống biển. Các lò cá hấp xả nước thải trực tiếp ra môi trường…

Thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các xã Cà Ná, Phước Diêm của huyện Thuận Nam đều gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí 17 về vệ sinh môi trường. Riêng xã Cà Ná là xã điểm đang phấn đấu đến cuối năm nay được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên với thực trạng môi trường ô nhiễm như hiện nay, nếu địa phương không có giải pháp căn cơ, hiệu quả, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Do đó, để khắc phục trình trạng ô nhiễm môi trường, các địa phương cần sớm tổ chức tốt việc thu gom rác thải tại các khu dân cư. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện nếp sống văn minh, sạch đẹp.