Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1, đoạn qua tỉnh ta theo hình thức hợp đồng BOT được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015. Hạng mục xây dựng trạm thu phí mới Cà Ná nhằm di dời trạm thu phí Thành Hải để đảm bảo khoảng cách giữa hai trạm thu phí liền kề trên tuyến QL1 từ 60-70km theo quy định của Chính phủ. Ông Phạm Thế Chỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận cho biết: Trạm thu phí là hạng mục công trình thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 theo hình thức hợp đồng BOT. Vị trí xây dựng trạm đảm bảo các tiêu chí đề ra và đã được địa phương và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, thống nhất thực hiện. Tuy nhiên, hiện công tác giải phóng mặt bằng tại đây vẫn chưa hoàn thành. Một số hộ dân cản trở thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và hạn chế khả năng lưu thông của các phương tiện khi đi qua trạm.
Nhằm xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng xây dựng công trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ trình tự, thủ tục đo đạc, kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ, niêm yết công khai phương án và chính sách bồi thường theo đúng quy định pháp luật cho người dân có đất thu hồi làm dự án. Bên cạnh đó, phải bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung chưa phù hợp, chưa rõ ràng theo quy định pháp luật để có sự thống nhất chung, giải quyết thấu đáo cho người dân.
Công trình Trạm thu phí Cà Ná ngổn ngang sau gần 2 năm triển khai thi công.
Thực hiện việc giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm thu phí Cà Ná, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, tiến hành đo đạc, kiểm kê tài sản áp giá thu hồi đất dựa theo các quyết định hiện hành về luật đất đai. Ông Trần Huỳnh Kiến Trúc, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết: Căn cứ bản đồ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân thì đây là đất nông nghiệp. Hiện nay giá đất nông nghiệp được áp theo quy định của UBND tỉnh tại vị trí số 1 là 36 ngàn đồng/m2. Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trung bình (tương đương mức 130 ngàn đồng/m2). Bên cạnh đó, còn hỗ trợ hạn chế sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi là 130 ngàn đồng/m2. Như vậy Trung tâm đã áp giá bồi thường, hỗ trợ đất đối với phạm vi xây dựng trạm là 295 ngàn đồng/m2. Ngoài ra, những hộ có đất nền sẽ được hỗ trợ thêm 60 ngàn đồng/m3. Đây là những mức ưu đãi tối đa và thực hiện đầy đủ theo các văn bản, luật quy định hiện hành. Sau khi công bố về ưu đãi số tiền bồi thường hiện nay, Trung tâm đã niêm yết công khai và tiếp tục tiếp thu ý kiến của người dân về dự án.
Thực hiện kiến nghị của người dân, UBND tỉnh cũng đề nghị nhà đầu tư dự án BOT có chính sách hỗ trợ, miễn giảm phí xe ô tô đăng ký tại 2 xã Cà Ná và Phước Diêm khi lưu thông qua trạm. Ông Phạm Thế Chỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận cho rằng: Những yêu cầu hỗ trợ của người dân địa phương là chưa có trong tiền lệ, không nằm trong quy định của Bộ Tài chính. Do đó, chúng tôi đã xin phép Bộ Tài chính để thực hiện và cam kết hỗ trợ miễn phí qua trạm đối với xe buýt chuyên chở học sinh; không thu thêm tiền vé đối với xe qua trạm trong khoảng thời gian 2 giờ và giảm 40% chi phí đối với vé tháng. Trong quá trình thực hiện chúng tôi sẽ trích kinh phí của công ty để hỗ trợ. Đối với việc xây dựng trạm thu phí sẽ làm thêm đường dân sinh, hạ cốt nền và không đặt rào chắn trước nhà dân nhằm tạo mặt bằng thông thoáng, êm thuận để người dân đi lại thuận lợi, an toàn.
Với tinh thần tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB và bàn giao cho các đơn vị thi công, UBND huyện Thuận Nam đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân; thành lập tổ vận động đến từng hộ dân tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các văn bản luật hiện hành nhằm tạo sự đồng thuận. Trường hợp người dân còn thắc mắc, kiến nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Cà Ná và đơn vị chủ đầu tư kịp thời giải thích, vận động để người dân sớm nhận tiền bồi thường, tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện dự án, tránh tình trạng áp dụng biện pháp cưỡng chế. Ông Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Chủ trương của huyện là tìm một giải pháp, chính sách tốt nhất cho bà con. Mặt khác đề xuất Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận tạo mọi điều kiện có thể để hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất; tiến hành vẽ sơ đồ bản vẽ thiết kế cụ thể để người dân biết vị trí đất bị thu hồi. Các bộ phận liên quan phát huy trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp tuyên truyền giải thích, vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có đất bị thu hồi ổn định đời sống.
Công trình trạm thu phí Cà Ná thuộc Dự án mở rộng QL1 là dự án trọng điểm quốc gia. Do vậy, người dân vùng dự án cần tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động, vừa đảm bảo lợi ích chung vì sự phát triển của địa phương, cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua địa phận tỉnh ta.
Anh Tuấn