Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được xây dựng trên tinh thần tiếp tục mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng còn lại đang phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2010; Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2020.
Theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, hầu hết các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đều được miễn hoặc giảm 50% số thuế phải nộp. Do đó, chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã) thì phải nộp 50% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp và phải nộp 100% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao; đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm đối với diện tích được Nhà nước giao.
Tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp mà không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đất nông nghiệp phải nộp 50% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp và phải nộp 100% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Tổ chức (trừ đơn vị vũ trang nhân dân) sử dụng đất nông nghiệp phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm trong trường hợp trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp; phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp.
Đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2010/QH12 đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể đã góp phần hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống. Góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Góp phần giảm bớt chi phí quản lý hành chính và đảm bảo công tác quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết đã nêu lên các ý kiến đa chiều liên quan quan đến dự thảo Nghị quyết. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, trong những năm qua, kinh tế đất nước đã có bước phát triển khá nhanh, song đến nay, kinh tế nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chậm phát triển; đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn; sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp trên thị trường khu vực và thế giới còn hạn chế.
Do đó, Thường trực Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, giảm chi phí quản lý hành chính, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được áp dụng miễn, giảm trong thời gian dài, đối tượng được miễn, giảm là rất rộng. Nay nếu tiếp tục mở rộng đối tượng miễn, giảm, kéo dài thời hạn miễn, giảm sẽ làm mất đi ý nghĩa, tính nghiêm minh của một sắc thuế. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cần sử dụng các công cụ vĩ mô khác, không chỉ có công cụ về thuế.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Tờ trình của Chính phủ sẽ không còn đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp (trừ một số đối tượng được giao đất nông nghiệp nhưng không sử dụng vào sản xuất nông nghiệp). Do vậy, cần chỉ đạo để đơn giản hóa thủ tục miễn thuế để thực hiện cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí hành thu của cơ quan thuế (chỉ thực hiện kê khai một lần thay vì hàng năm), hoặc đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc không thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020…
Phát biểu thảo luận, cơ bản các ý kiến bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; cho rằng, việc mở rộng thêm đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là nguồn động viên, góp phần khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng diện tích đất nông nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích phát triển xây dựng cánh đồng lớn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển và một số đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh chính sách khuyến khích nêu trên, các cơ quan chức năng cũng hết sức quan tâm đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của các đối tượng được miễn giảm thuế; tránh tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, sử dụng lãng phí, không hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng phải kiên quyết thu hồi đất nông nghiệp sử dụng không đúng mục đích, để hoang hóa...
Phát biểu kết thúc thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, UBTVQH cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đồng tình với việc tiếp tục bổ sung đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn từ 1/1/2017 đến 31/12/2020 theo Tờ trình của Chính phủ.
Căn cứ vào các ý kiến của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ Nghị quyết để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới. Trong quá trình chỉnh lý, cần hết sức quan tâm bổ sung các ý kiến đóng góp theo hướng các đối tượng được miễn giảm không chỉ là nông dân mà là các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp nói chung; thêm quy định về chế tài xử lý các hành vi vi phạm Luật Đất đai, bỏ đất đai hoang hóa; có những đánh giá sâu thêm những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại; những bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Nguồn www.chinhphu.vn