Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 137 điều, trong đó có 5 chương quy định về các vấn đề chung và 5 chương quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công (TSC).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về dự án Luật trình bày tại phiên họp khẳng định, Ban soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị công phu, từ khâu tổng kết, đánh giá thực tiễn, rà soát pháp luật, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, xây dựng dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến góp ý của các đối tượng có liên quan, đánh giá tác động của dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, ý kiến các đại biểu cho rằng tài sản Nhà nước tại Việt Nam có phạm vi, quy mô rất lớn; là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công và là nguồn lực quan trọng, bền vững có thể khai thác để phát triển kinh tế-xã hội.
Việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác TSC hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đồng thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng TSC.
Dự án Luật được xây dựng phải bảo đảm được yêu cầu tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; huy động, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ TSC để phát triển kinh tế-xã hội. Thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả các loại TSC đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan như Luật về Tổ chức bộ máy Nhà nước, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước…
Một số ý kiến cho rằng, phạm vi của TSC là rất rộng và ở nhiều hình thái khác nhau. Trong đó, nhiều loại tài sản không hoặc chưa xác định được giá trị, nên việc quy định tất cả các loại tài sản vào quản lý chung trong Luật là quá rộng, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tính khả thi. Vì vậy, đề nghị cần ban hành bộ luật về TSC, hoặc căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nguồn hình thành của từng loại TSC, các nhóm TSC để xây dựng các luật cụ thể cho phù hợp.
Đồng thời cần phân biệt rõ TSC phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, phục vụ mục đích an sinh xã hội và TSC phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại TSC, nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về xác định TSC, tránh sự chung chung. Đồng thời để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tiếp tục rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng TSC ở các luật chuyên ngành, để tiến hành bổ sung sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Xác định rõ mối liên hệ giữa Luật nói trên với các luật liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và một số ý kiến đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật nội dung quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng TSC ở cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị TSC như xe công, trụ sở làm việc, nhà công vụ... nhằm chống thất thoát, lãng phí TSC, tránh quan điểm cho rằng đây là “điện thoại chùa, xe chùa”, rồi cứ sử dụng một cách vô tư.
Để quản lý hiệu quả TSC, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cũng như khái niệm cụ thể về TSC theo hướng quản lý tất cả mọi mặt TSC. Những tài sản gì loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh TSC cũng phải có quy định rõ ràng.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ đối với công tác chỉ đạo, triển khai xây dựng dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng dự án Luật có liên quan mật thiết đến công tác thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; quản lý và sử dụng hiệu quả TSC... Do vậy, cần hết sức quan tâm đến phạm vi điều chỉnh của Luật, bảo đảm độ bao quát của Luật trong quản lý tài sản Nhà nước, gồm các tài sản hữu hình, những tài sản Nhà nước thuộc về các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần...
Ngoài ra, vấn đề về phân loại TSC; nguyên tắc quản lý, sử dụng TSC; giám sát của cộng đồng đối với TSC; tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC; chế độ quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan Nhà nước; hệ thống thông tin về TSC và cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC... cũng là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu đề cập, đóng góp ý kiến tại thảo luận.
Nguồn www.chinhphu.vn