Chuyện “Ứng xử với bản thân”

Anh bạn tôi cắc cớ hỏi trong các quan hệ ứng xử: Ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với khách, ứng xử với cấp trên… thì ứng xử nào là khó nhất? Không cần suy nghĩ tôi trả lời ngay ứng xử với… "sếp" là khó nhất?! Anh bật cười: - Cứ tưởng người thông minh, sâu sắc như ông cái gì cũng biết… nói thiệt, tôi đã tìm hiểu kỹ rồi: Ứng xử với bản thân là khó nhất và rồi như phản xạ tự nhiên anh kể:

Từ chuyện ứng xử của em bé

Chị bạn cùng cơ quan chia sẻ, vợ chồng sinh hai đứa đều là gái, khổ nỗi anh ấy lại là con trai duy nhất của gia đình. Nhiều lúc thấy chồng bần thần, chẳng nói năng gì cứ nghĩ anh ấy mệt hoặc dấu hiệu cảm cúm. Sau này, qua bạn bè ảnh mới biết lúc ăn nhậu người ta chọc đùa ổng “yếu” không có người nối dõi tông đường. Mình gợi ý sinh thêm đứa nữa cho có tẻ, có nếp nhưng anh không đồng ý vì vi phạm quy định nhưng cái khó nhất là điều kiện nuôi dưỡng chúng trưởng thành. Được cái hai đứa con gái đều ngoan, học giỏi. Đứa lớn mới thi đậu đại học y khoa, em nó thì học giỏi, vẽ đẹp và đặc biệt cháu có khả năng ứng xử khá tốt. Nghe chị kể, tôi hình dung có lẽ cái nút gỡ để chồng chị vui là ở bé út, bèn cắt ngang: Chắc cháu hay nịnh ba để ổng vui phải không? - Cái đó chỉ phần nhỏ thôi, mình cứ nghĩ là cha mẹ thì cái gì cũng đúng, dạy con cái phải nghe lời nhưng không hẳn như vậy. Có lần cháu cứ đứng ở góc phòng khóc hoài, thương con ba nó hỏi: Chị hai hay mẹ lại ăn hiếp út đây? Cháu gạt nước mắt nói: - Mẹ sai sao không xin lỗi con? Thì ra vậy, trẻ nhỏ sai phải xin lỗi còn người lớn sai thì… Chỉ khi mẹ tới dỗ dành: - Mẹ lỡ, xin lỗi cưng nghen. Chỉ chờ có vậy, cháu choàng tay ôm hôn mẹ khuôn mặt rạng ngời. Có lần hỏi, con yêu mẹ hay ba, cháu biểu yêu cả hai, mình gài thế: - Nhưng con yêu ai nhất! Thật bất ngờ, cháu biểu yêu ba nhất, mẹ nhất, chị hai nhất, bởi gia đình mình là số một. Chỉ vậy thôi nhưng mình và anh ấy luôn luôn phải tự điều chỉnh hành vi bản thân về nói năng, cư xử với nhau hằng ngày sao cho các cháu luôn luôn yêu thương gia đình mình.

Và ứng xử với chính mình

So với đội ngũ cán bộ hiện thời thì anh là Trưởng phòng trẻ nhất địa phương. Với bầu nhiệt huyết, được học hành bài bản và trải qua rèn luyện ở cơ sở, anh nhanh chóng xây dựng được một tập thể đoàn kết, chung sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phòng do anh phụ trách được chọn là điển hình báo cáo tại hội nghị tổng kết của tỉnh. Phong cách điều hành sâu sát, cụ thể ban đầu hết sức hiệu quả nhưng dần dần anh tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Mỗi lần họp giao ban đánh giá kết quả công tác tuần, triển khai nhiệm vụ tuần tới, anh yêu cầu từng nhân viên báo cáo rồi truy vấn đến cùng lý do tại sao việc trễ hạn, rồi lỗi chính tả, lỗi câu trong văn bản… với lời lẽ gay gắt. Đánh giá phân loại kết quả công tác tháng, quý, anh không bao giờ biểu dương ghi nhận những nỗ lực của anh em đã hoàn thành nhiệm vụ chung, mà đặt nặng việc phê phán những hạn chế, sai sót. Mỗi lần họp phòng không khí trở nên nặng nề, không ai nói ra bởi có nói anh cũng không tiếp thu. Từ chỗ hoà đồng với mọi người, anh trở nên gia trưởng, độc đoán, ai ai cũng ngại gặp. Anh luôn bộc bạch rằng, vì trách nhiệm, vì tập thể, mong muốn mọi người cùng đồng hành. Ai nấy đều thấy gánh nặng trách nhiệm nơi anh nhưng sao bản thân không đặt mình vào vị trí của họ, lắng nghe, thấu hiểu và có cách ứng xử phù hợp. Ông bà ta xưa đã dạy “lạt mềm buột chặt”, công tác lãnh đạo, quản lý điều hành là hướng đến sự tự giác của mỗi cá nhân vào thực thi nhiệm vụ, có như vậy thì hiệu quả mới cao.

Chuyện ứng xử với bản thân ai cũng biết nhưng tự ta lại ít chú ý hành vi ứng xử của mình để rồi đánh mất chính mình. Phong cách con người hình thành thông qua việc ứng xử hàng ngày và từ đó bồi đắp thành nhân cách cá nhân. Góp ý với mọi người không khó bởi ta cảm nhận được và nhìn thấy, còn với chính mình thì phải biết lắng nghe, thông qua người khác. Vậy nên hãy ứng xử với mọi người như ứng xử với chính mình, đó là cầu nối cho sự lớn lên và tạo dựng sự thành công của mỗi người.