Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

LTS: Ngày 5-9-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn chỉ thị.

Trong 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015 đạt nhiều kết quả: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 15,48% cuối năm 2010 giảm xuống còn 5,73% năm 2015, bình quân hàng năm giảm 1,95%; đã huy động được nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo; một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được triển khai và từng bước nhân rộng; nhân dân trong tỉnh, nhất là người nghèo ngày càng nhận thức đúng đắn về mục tiêu, ý nghĩa công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, có ý thức tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng… qua đó đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế: Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nhất là các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn chưa đạt được mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; chênh lệch thu nhập giữa các vùng còn lớn; đời sống đa số bộ phận dân cư miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của những hạn chế, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của tình hình hạn hán gay gắt, kéo dài trên diện rộng và nguồn lực đầu tư đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cho công tác giảm nghèo bền vững... còn có các nguyên nhân chủ quan sau: Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia chương trình giảm nghèo chưa thật sự sâu rộng; công tác quản lý, điều hành lồng ghép các nguồn lực chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; một số mô hình, điển hình tiến tiến, những gương người tốt, việc tốt trong công tác giảm nghèo bền vững chưa được chú trọng nhân rộng; một số chính sách triển khai thực hiện thiếu các điều kiện ràng buộc dẫn đến tình trạng một bộ phận hộ nghèo trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Để thực hiện đạt kết quả các mục tiêu giảm nghèo bình quân hàng năm từ 1,5%- 2% và đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn từ 7 - 7,43% (theo chuẩn mới), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn tỉnh, các huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện giảm nghèo bền vững, nhất là đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ và Nghị quyết 76/2014/QH13 ngày 24-6-2014 của Quốc hội khóa 13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng ý thức vượt khó, vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

2. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp; kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy, cán bộ công chức làm công tác giảm nghèo các cấp.

Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực của Trung ương, địa phương và các nhà tài trợ đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cho huyện nghèo, các xã nghèo, nhất là đối với các xã, thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin nhằm bảo đảm giảm nghèo bền vững.

Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất đúng mục đích gắn với các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất có hiệu quả. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhằm phục vụ tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tiếp tục thực hiện hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và tư vấn tạo điều kiện nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất thích nghi với vùng khô hạn. Quan tâm công tác đào tạo nghề và hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao; đổi mới hình thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và các làng nghề truyền thống; chú trọng công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo; đảm bảo sự tham gia của người dân trong giám sát và đánh giá thực hiện các chương trình, dự án.

3. Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn dân hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào như: “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ Quỹ vì người nghèo và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí vận động.

4. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn việc quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giải đáp các chính sách về giảm nghèo của tỉnh theo hướng bền vững để mọi người dân biết, thực hiện.

6. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh, các cơ quan liên quan theo dõi việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo, tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để chỉ đạo kịp thời.

Chỉ thị này được quán triệt đến chi bộ và tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân.