Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Theo đó, Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thứ trưởng) giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Thứ trưởng không kiêm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, trừ trường hợp đặc biệt.
Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ. Số lượng Thứ trưởng thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ.
Việc tổ chức và hoạt động của Bộ thực hiện theo nguyên tắc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ; tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ.
Nhiệm vụ của Bộ
Nghị định dành Chương II với 11 Điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ về: Pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hợp tác quốc tế; cải cách hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác; hội, tổ chức phi Chính phủ; tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra, thanh tra; quản lý tài chính, tài sản.
Cụ thể, Bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, trình Chính phủ có ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; trình Chính phủ quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về cải cách hành chính, Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cho chính quyền địa phương; quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Bộ; quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, công khai thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực; quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Bộ; cải cách tổ chức bộ máy của Bộ bảo đảm tinh gọn, hợp lý, giảm đầu mối, bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ theo phân công của Chính phủ.
Về quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực, Bộ trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý; trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý.
Bộ cũng có nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và các chương trình, chiến lược định hướng phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác thuộc các thành phần kinh tế trong ngành, lĩnh vực. Kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện theo quy định của pháp luật và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền.
Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ và của cơ quan thuộc Chính phủ được phân công quản lý; trình Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổng cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là tổng cục), vụ, cục và tương đương thuộc Bộ...
Cơ cấu tổ chức của Bộ
Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm: Vụ; Văn phòng; Thanh tra; Cục (nếu có); Tổng cục (nếu có); đơn vị sự nghiệp công lập.
Các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, gồm: Các đơn vị nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực; Báo, tạp chí; Trung tâm Thông tin; Trường hoặc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Học viện thuộc Bộ.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu văn phòng, thanh tra, vụ, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ.
Nghị định nêu rõ, không tổ chức phòng trong vụ. Riêng trường hợp vụ có nhiều mảng công tác hoặc khối lượng công việc lớn, Bộ trình Chính phủ quyết định số lượng phòng trong vụ tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hàng hóa từ Lào
Nghị định 124/2016/NĐ-CP biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định này ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào ký tại Viêng-chăn ngày 03/3/2015 (Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào) và điều kiện được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào
Ban hành kèm theo Nghị định này là Phụ lục I Danh mục hàng hoá có xuất xứ từ CHDCND Lào được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) khi nhập khẩu vào Việt Nam; Phụ lục II - Danh mục hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam không được hưởng ưu đãi thuế quan; Phụ lục III - Danh mục hàng hoá có xuất xứ từ CHDCND Lào được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hàng năm khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA
Nghị định nêu rõ, hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Biểu thuế ATIGA). Trường hợp mức thuế suất quy định tại Biểu thuế ATIGA cao hơn mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) thì áp dụng giảm 50% theo mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Hàng hóa nêu trên phải đáp ứng các điều kiện: Được nhập khẩu và vận chuyển thẳng từ CHDCND Lào vào Việt Nam; đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào theo quy định và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của nước CHDCND Lào cấp theo quy định.
Áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%
Hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào, trừ hàng hoá nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan, mà không thuộc Danh mục hàng hoá quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên.
Hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào thuộc Danh mục hàng hóa và số lượng hạn ngạch thuế quan quy định tại Phụ lục III khi nhập khẩu vào Việt Nam đáp ứng điều kiện quy định được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan với mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% và thực hiện theo văn bản của Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hàng năm đối với hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào.
Hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào thuộc Danh mục hàng hoá quy định tại Phụ lục III và đáp ứng các điều kiện quy định có số lượng nhập khẩu vượt số lượng hạn ngạch thuế quan quy định tại Phụ lục III, trừ mặt hàng lá thuốc lá và phế liệu lá thuốc lá nhập khẩu vượt số lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định, thì số lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch được áp dụng thuế suất nhập khẩu bằng 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA.
Hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào thuộc Danh mục hàng hoá quy định tại Phụ lục III nhưng không đáp ứng các điều kiện quy định có số lượng nhập khẩu vượt số lượng hạn ngạch thuế quan quy định tại Phụ lục III, trừ mặt hàng lá thuốc lá và phế liệu lá thuốc lá nhập khẩu vượt số lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện theo quy định, thì số lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016 đến ngày 3/10/2020.
Đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7469/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.
Trong thời gian qua, có xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán. Để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trước ngày 15/10/2016 ban hành qui định các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cần ghi rõ trong các hợp đồng cung ứng dịch vụ nội dung cụ thể về trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đảm bảo việc chấp hành các qui định của pháp luật về hoạt động thanh toán.
Đồng thời có biện pháp khuyến khích, yêu cầu các ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh các dịch vụ thanh toán; tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách sử dụng các dịch vụ thanh toán an toàn, hạn chế rủi ro và phòng tránh tội phạm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu tranh, xử lý nghiêm, kịp thời theo qui định của pháp luật các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của hệ thống thanh toán quốc gia và uy tín của hệ thống ngân hàng.
Kiện toàn Ban Thư ký Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương vừa ký Quyết định kiện toàn Ban Thư ký Hội đồng.
Theo Quyết định, đồng chí Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng Ban thư ký.
Phó Trưởng Ban gồm: Chánh Văn phòng, Bộ Quốc phòng Vũ Văn Hiển; Vụ trưởng Vụ GDQP, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Minh; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trần Hoài Trung; Cục trưởng Cục Đào tạo, Tổng cục Chính trị, Bộ Công an Nguyễn Văn Ly.
Ủy viên gồm: Chánh Văn phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Đình Tiết; Cục trưởng Cục Huấn luyện - Đào tạo, Học viện Quốc phòng Nguyễn Văn Hãnh; Chánh Văn phòng, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trần Văn Minh; Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Đức Nho; Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và an ninh, Bộ Tài chính Đinh Trần Lợi; Phó Vụ trưởng Quốc phòng và an ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Kỳ; Chuyên viên cao cấp Vụ Nội chính, Văn phòng Chính phủ Vương Quốc Chính; Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Phan Đình Tân; Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Dạy Nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Văn Tiến; Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Vĩnh An; Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam Trần Hữu Phúc; Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Trương Thế Tuân; Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân Trần Ngọc Đông; Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Đài tiếng nói Việt Nam Ngô Minh Hiển; Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Ngọc Hường.
Mời các đồng chí sau tham gia là Ủy viên Ban Thư ký: Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng Giang Văn Sâm; Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương Bùi Anh Dũng; Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Văn Báu; Chánh Văn phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Chí Hướng; Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Như Huyên.
Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương có chức năng tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các chủ chương, đề án, chương trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan trung ương khác (gọi chung là cơ quan, tổ chức trung ương), UBND cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch về giáo dục quốc phòng - an ninh; chỉ đạo Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh cấp quân khu, cấp tỉnh triển khai thực hiện các quyết định, các nhiệm vụ về giáo dục quốc phòng - an ninh.
Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương phối hợp với các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức trung ương và các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh; thực hiện những nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguồn Văn phòng Chính phủ