Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Chiều 6-9 tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp thân mật các thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhân dịp Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững 2016” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của Hội phối hợp với Tạp chí Sức khỏe và Môi trường phối hợp tổ chức Diễn đàn trên, có chủ đề gắn với vai trò, nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ “kinh tế xanh” là vấn đề Đảng, Nhà nước rất coi trọng. “Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và Nghị quyết 35 mà Chính phủ ban hành cũng đặt ra vấn đề doanh nghiệp phải xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với những vấn đề cấp bách trong xử lý, khắc phục hậu quả hạn mặn diễn ra tại một số vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các cơ quan đã nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp trữ ngọt, giảm mặn ở vùng này và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng phát triển kinh tế xanh vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra ở Việt Nam, mà quan trọng nhất là nhận thức còn khác nhau về nội hàm kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, đây là mục tiêu hay phương thức để phát triển. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi phải xử lý yêu cầu “kép” là giải quyết những tác động về kinh tế, môi trường do “kinh tế nâu” gây ra, nhưng mặt khác phải hướng tới kinh tế xanh và tăng trưởng xanh trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

“Đó là những bài toán khó giải trong điều kiện của Việt Nam và các nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc Hội cần nghiên cứu, giúp Chính phủ có đáp án về những vấn đề này, cũng như cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển xanh, vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế xanh như thế nào,…”, Phó Thủ tướng đặt hàng với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Đại diện của Hội cho rằng đối với Việt Nam, con đường tiến tới nền kinh tế xanh gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể tới trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi, sử dụng tài nguyên còn lãng phí, môi trường đang xuống cấp, các ngành “kinh tế nâu” (sử dụng nhiều tài nguyên-PV) đang chiếm tỷ trọng cao.

Hội tin tưởng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ban hành trong thời gian qua là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam; kiến nghị cần coi trọng vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội thảo về già hóa dân số

Tới dự hội thảo khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ''Những tác động kinh tế của già hóa'', ngày 6/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh già hóa dân số đang đặt ra không ít thách thức đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

“Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam đang là một nước trẻ, năng động và đang trong thời kỳ đỉnh cao của “dân số vàng” nhưng chúng ta đang thực sự đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn giao thoa dân số và rất nhanh tới đây sẽ là một nước dân số già. Nếu năm 2010 cứ 11 người Việt Nam có 1 người cao tuổi thì đến năm 2030 là dự kiến 6 người Việt Nam có 1 người cao tuổi và nếu cứ tiếp tục như vậy thì 50 năm nữa trên 4 người Việt Nam sẽ có 1 người cao tuổi”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cho rằng những thách thức trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam không mới song đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội để người cao tuổi có chế độ tài chính bảo đảm cuộc sống; tìm kiếm những mô hình, cách thức phát huy tốt nhất vai trò, kinh nghiệm, năng lực của người cao tuổi như: độ tuổi như thế nào được coi là người già, bao giờ được nghỉ hưu; độ tuổi bắt đầu lao động...

Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, tổ chức những ngành sản xuất, đưa phương thức mới, công nghệ phù hợp để người lao động dù tuổi cao vẫn lao động với năng suất cao nhất, cũng như phát huy vai trò người cao tuổi trong hoạt động quản lý xã hội, tham gia tự quản ở cộng đồng dân cư.

“Vấn đề là làm sao biến thách thức thành cơ hội phát triển. Các khuyến nghị từ hội thảo sẽ được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận, nghiên cứu, bàn thảo để đưa ra những giải pháp phù hợp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo bà Lubna Baqi, Phó Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc-UNFPA) già hóa dân số không phải là chủ đề mới nhưng tiếp tục biến động phức tạp đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải nhanh chóng đưa ra những chiến lược ứng phó kịp thời, phù hợp.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ nhưng Việt Nam chỉ mất 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Hiện tỉ lệ người cao tuổi của Việt Nam là trên 10,5% và khoảng 50 năm nữa Việt Nam sẽ có thêm 10 triệu người cao tuổi.

Nguồn Văn phòng Chính phủ