(NTO) Ninh Thuận được biết là một tỉnh có nhiều tiềm năng, trong đó có những tiềm năng đặc thù, riêng có mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được. Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế đó Ninh Thuận cũng là địa phương đi đầu trong việc thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Và năm 2011, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu và mong muốn có cơ hội để đầu tư vào các nhóm ngành trụ cột mà tỉnh đã xác định như năng lượng, du lịch, nông - lâm - thủy sản, công nghiệp… Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố khách quan nên không ít nhà đầu tư đã “chựng lại”, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư, trong đó chú trọng đến cải cách thủ tục hành chính, nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cao…
Nhằm tiếp tục hiện thực hóa “giấc mơ”: Ninh Thuận thực sự trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, với định hướng phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, dựa trên các nhóm ngành trụ cột với nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh, tỉnh ta đã xác định danh mục 57 dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn trên 20.000 tỷ đồng. Trong số này có nhiều dự án lớn như dự án nâng cấp Cảng biển Ninh Chử có tổng vốn 2.600 tỷ đồng; nhà máy điện gió Phước Dân 1.300 tỷ đồng, dự án nhà máy sản xuất cánh quạt gió, thân trụ điện gió có tổng vốn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, cùng với đó là có đến hàng chục dự án khai thác tiềm năng về du lịch, dịch vụ, khách sạn cao cấp... Trong đó, có những dự án như khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc đường ven biển phía Nam (đoạn Mũi Dinh-Cà Ná) có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; khu du lịch thể thao Nam Cương 700 tỷ đồng…
Một trong những “điểm nhấn” quan trọng, đó là tỉnh ta sẽ ký kết “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” với Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen triển khai đầu tư xây dựng 5 dự án “tầm cỡ” tại khu công nghiệp Cà Ná (Thuận Nam). Trong đó, đáng nói là dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD; dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hoa Sen Cà Ná với tổng vốn 800 triệu USD… “Tổ hợp” các dự án này được kỳ vọng khi vận hành sẽ giải quyết việc làm cho 40.000-50.000 lao động trực tiếp, gián tiếp tạo công ăn việc làm cho khoảng 70.000 lao động trong khu vực, góp phần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ và khu đô thị công nghiệp phía Nam của tỉnh. Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam được triển khai trên địa bàn 2 xã Bắc Phong và Lợi Hải (Thuận Bắc) với tổng công suất 90MW, có vốn đầu tư lên đến hơn 3.965 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư cũng là “điểm nhấn” quan trọng. Đây được xem là dấu mốc mới hướng đến khai thác tiềm năng lợi thế về nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của tỉnh…Các dự án tỉnh kêu gọi đầu tư khi hoàn thành sẽ đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà.
Có thể nói, tỉnh ta đã tỏ rõ quyết tâm cao để hiện thực hóa “giấc mơ” phát triển bằng việc khai thác các lợi thế của tỉnh. Không chỉ kêu gọi đầu tư, tỉnh đã bắt tay vào chiến lược thu hút đầu tư bằng những hành động cụ thể. -“Hãy đến với Ninh Thuận, đến với một quyết định đầu tư đúng đắn “Thủ tục nhanh gọn - sản xuất an toàn - đầu tư hiệu quả - phát triển bền vững”. Các nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra Ninh Thuận thực sự là điểm đến tin cậy với tiềm năng dồi dào và những cơ hội phát triển mới”- như lời mời gọi của đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
HH