Khó khăn về nguồn vốn đầu tư
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong năm 2016, toàn tỉnh được đầu tư 37,6 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn sự nghiệp 8 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 6,6 tỷ đồng và vốn trái phiếu chính phủ 23 tỷ đồng. Do nguồn lực hỗ trợ trực tiếp thấp và phân bổ đều cho các xã, có ưu tiên cho xã đặc biệt khó khăn nên không đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Đối với vốn sự nghiệp, do thiếu hướng dẫn cụ thể về việc phân bổ vốn cho nội dung đào tạo nghề lao động nông thôn, nên các huyện rất khó triển khai thực hiện. Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tuy đã có, nhưng các địa phương vẫn phải chờ HĐND tỉnh thẩm tra phương án phân bổ theo quy định. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế do tình hình sản xuất, kinh doanh không thuận lợi; nguồn lực huy động trong dân gặp nhiều khó khăn do hạn hán diễn ra gay gắt, khốc liệt, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và thu nhập của người dân.
Nông dân Phước Vinh đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh (Ninh Phước), cho biết: Nguồn vốn đầu tư được phân bổ thấp, nên xã khó khăn trong việc lựa chọn danh mục công trình để triển khai thực hiện. Mặt khác, thời gian qua, sản xuất của người dân gặp khó khăn do hạn hán nên việc huy động đóng góp rất hạn chế. Chưa kể đây là năm đầu tiên áp dụng Luật Đầu tư công nên việc thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo luật mới, dẫn đến kéo dài thời gian. Theo chuẩn nghèo mới, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Phước Vinh còn khá cao, chiếm đến 18,06%, do đó địa phương phải rất nỗ lực, phấn đấu mới có thể đạt yêu cầu tiêu chí vào cuối năm 2016 này.
Ông Lê Kim Hiếu, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Với các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 như xã Phước Vinh, Phước Hậu (Ninh Phước); Phương Hải, Hộ Hải (Ninh Hải) và xã Cà Ná (Thuận Nam), mặc dù các huyện đã cố gắng cân đối ngân sách, lồng ghép, huy động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư nhưng đến nay cơ bản chỉ mới đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cho hai xã: Phương Hải và Phước Vinh. Các xã khác vẫn còn gặp khó khăn về nguồn lực để đầu tư các công trình trường học, nhà văn hóa xã, đường giao thông và kênh mương nội đồng…
Huy động các nguồn lực
Mặc dù khó về nguồn vốn phân bổ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016 đang cố gắng lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, đẩy mạnh sản xuất, thông qua các dự án như: nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi gà; liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo việc làm cho lao động địa phương; vận động, hỗ trợ vay vốn cải tạo nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, qua đó để đạt các tiêu chí cần thiết trước mắt.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, đến nay, các địa phương đã được phân bổ nguồn vốn sự nghiệp của chương trình và vốn đầu tư phát triển hạ tầng trên 14,6 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn phân bổ trực tiếp cho chương trình, các địa phương đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án khác như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (62,1 tỷ); vốn xây dựng cơ bản và xổ số kiến thiết phân cho các huyện, thành phố (62 tỷ); chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phòng chống thiên tai (13 tỷ)… Ngoài ra, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn để thực hiện. Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh cũng đã phát động phong trào đóng góp xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên để tạo nguồn hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.
Năm 2016, theo kế hoạch, tỉnh ta phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương cần “tăng tốc”, đẩy nhanh việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đo tập trung cho các xã “điểm” để hỗ trợ các địa phương có đủ điều kiện, phấn đấu về đích vào cuối năm nay.
Anh Tuấn