Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Toàn ngành ngoại giao đang đứng trước nhiều nhiệm vụ to lớn,
quan trọng trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đại hội XII của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát cho 5 năm năm tới là đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những thành tựu sau 30 năm đổi mới là những tiền đề thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ nói trên.
Nhưng đất nước cũng đứng trước không ít khó khăn thách thức. Về ngắn hạn, chúng ta vừa khắc phục những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới cũng như những yếu kém vốn có của nền kinh tế đồng thời ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường và nhiều thách thức mới nảy sinh của nền kinh tế thế giới.
Về dài hạn, thế giới đang trải qua quá trình tái cấu trúc toàn diện từ cơ cấu sản xuất đến cơ cấu tiền tệ. Mặt khác, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đưa loài người lên tầm cao phát triển mới.
Chính vì vậy, nước ta vừa phải giải quyết những vấn đề trước mắt đồng thời vừa phải đối mặt với những biến chuyển hết sức sâu rộng trong nền kinh tế thế giới. Nếu không vượt qua những thách thức mới và phức tạp này thì nguy cơ tụt hậu sẽ càng lớn hơn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, ngành ngoại giao không thể đứng ngoài nhiệm vụ góp phần giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đó.
Theo Tổng Bí thư, ngoại giao cần đặt ưu tiên cao và trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan đại diện bên ngoài, các đơn vị chức năng thuộc Bộ; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, công tác thông tin về những diễn biến trước mắt và dài hạn của nền kinh tế khu vực và thế giới, giúp cho lãnh đạo có đánh giá chuẩn xác, kịp thời để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế trong nước phù hợp với quy luật khách quan và kinh tế phát triển chung.
Với mạng lưới Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, ngoại giao có trách nhiệm nặng nề là đưa các Hiệp định đã ký kết đi vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước, hạn chế tối đa những tác động bất ngờ của những thách thức có thể nảy sinh.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi về công tác đối ngoại với lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Ngoại giao phải phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan tích cực chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thương mại và đầu tư du lịch với chất lượng cao, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Song song với nhiệm vụ phát triển đất nước, ngoại giao còn phải gánh vác nhiệm vụ to lớn, hết sức phức tạp là góp phần quan trọng vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Nhiệm vụ này càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn do những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới, đòi hỏi phải hết sức nhạy bén trong việc dự báo tình hình để không bất ngờ, bị động.
Tổng Bí thư cho rằng, cần chú trọng công tác dự báo chiến lược, làm rõ nguồn gốc sâu xa của những diễn biến hiện nay đang diễn ra trên thế giới, nhất là mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các nước lớn tại các khu vực trọng yếu, kể cả châu Á-Thái Bình Dương và Đông Á có thể ảnh hưởng đến lợi ích của ta, kịp thời đề xuất phương án ứng xử cho trước mắt và lâu dài.
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa phải hết sức giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.
Tổng Bí thư nhấn mạnh phải giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó có thương lượng song phương trên các vấn đề liên quan đến hai nước và đa phương đối với những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì phấn đấu nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, trong thế giới liên kết toàn cầu hóa như hiện nay, đối ngoại quốc phòng, an ninh cũng có vị trí rất quan trọng. Ngành ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, chủ động triển khai hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu này, giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mối quan hệ gắn bó hữu cơ tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng bảo vệ đất nước từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm ảnh tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Ngày nay, nhờ công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại hòa hiếu, rộng mở, Việt Nam đã có một vị thế mới trong quan hệ quốc tế. Nói cách khác, chúng ta phải luôn luôn đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại, nêu cao đại nghĩa của dân tộc, tranh thủ được thiện cảm của nhân loại tiến bộ, nâng cao được thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất.
Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư chỉ rõ cần hết sức chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống; nâng cao vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN, kiên trì chủ trương tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi.
Ngành ngoại giao cần đi đầu phối hợp với đối ngoại nhân dân và các ngành văn hóa nghệ thuật, thông tin, truyền thông phát huy có hiệu quả nhất lợi thế sức mạnh mềm của đất nước, bắt đầu từ văn hóa. Với văn hóa không có sự xa cách, chỉ có sự đa dạng.
Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết từ sự hấp dẫn tỏa ra từ các giá trị văn hóa, bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để khẳng định thương hiệu quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới.
Để hoàn thành những nhiệm vụ đầy khó khăn thách thức nêu trên, theo Tổng Bí thư, công việc có ý nghĩa then chốt là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như xây dựng ngành, củng cố tổ chức và đội ngũ về mọi mặt nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Đảng, bản lĩnh chính trị và tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên./.
Nguồn www.chinhphu.vn