Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Bên cạnh sự kiện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam, nhiều sự kiện quốc tế khác, thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế, trong đó phải kể đến vụ đánh bom liều chết ở Pakistan và quan hệ Nga- Ukrraine diễn biến căng thẳng.

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang dự và phát biểu tại Lễ mít tinh
kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (Ảnh TTXVN)

55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

Sáng 10-8, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam

Chất độc da cam là một chất lỏng trong; tên của nó được lấy từ màu của những sọc được vẽ trên các thùng phuy dùng để vận chuyển nó. Quân đội Hoa Kỳ còn có một số mã danh khác để chỉ đến các chất được dùng trong thời kỳ này: "chất xanh" (Agent Blue, cacodylic acid), "chất trắng" (Agent White, hỗn hợp 4:1 của 2,4-D và picloram), "chất tím" (Agent Purple) và "chất hồng" (Agent Pink).

Trong 10 năm, từ 1961 đến 1971, của Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu hécta rừng và đất nông nghiệp. Nhiều người cho rằng ngoài tác hại cho môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người Việt, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh.

Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam

Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Tác động lâu dài của chất độc da cam/điôxin không chỉ có thể lên tới hàng trăm năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.

Pakistan tiếp tục đối mặt với bất ổn an ninh

Ngày 8-8, tại một bệnh viện ở thành phố Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan, đã xảy ra vụ đánh bom liều chết làm 93 người thiệt mạng và 112 người bị thương. Vụ đánh bom xảy ra vào thời điểm có tới hơn 200 người, trong đó chủ yếu là các luật sư và nhà báo, tập trung tại Bệnh viện Dân sự Quetta viếng ông Bilal Anwar Kasi, một luật sư nổi tiếng và là Chủ tịch Hội luật gia Balochistan, bị hai tay súng sát hại trong một vụ tấn công trước đó.

Chính quyền tỉnh Balochistan đã để tang 3 ngày tưởng niệm các nạn nhân. Nhánh Taliban ở Pakistan Jamaat-ur-Ahrar đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom trên. Trong khi đó, Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng cũng tuyên bố là thủ phạm vụ đánh bom liều chết này. Cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố trên. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã lên án vụ đánh bom và tuyên bố sẽ diệt trừ tận gốc phiến quân ở nước này.

Trên thế giới, Pakistan là một trong những quốc gia bị khủng bố ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay. Quốc gia này đã phải hứng chịu bạo lực của các nhóm cực đoan trong suốt 15 năm qua, kể từ khi nước này tham gia chiến dịch do Mỹ đứng đầu chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực sau sự kiện khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ. Kể từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 80.000 người Pakistan thiệt mạng bởi các vụ tấn công khủng bố và xung đột sắc tộc. Chính vì vậy, trước nguy cơ tấn công khủng bố ngày càng tăng, giới phân tích cho rằng, Pakistan cũng như các nước trong khu vực cần nỗ lực hợp tác để đối phó với mối đe dọa này.

Iran tăng cường hợp tác với các nước Á-Âu và Caucasus

Trong hai ngày 8 và 9-8, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thực hiện chuyến công du Azerbaijan và dự Hội nghị thượng đỉnh Nga, Iran và Azerbaijan lần đầu tiên. Chuyến thăm mang thông điệp thúc đẩy tự do thương mại với các nước vùng Caucasus và khu vực lục địa Á-Âu, qua đó cho thấy Tehran muốn tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề ở khu vực có vị trí địa-chính trị quan trọng này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Iran và Azerbaijan đã ký kết 6 Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, chế tạo ô tô, tiêu chuẩn công nghiệp, du lịch, đường sắt. Hai bên cũng đã ký nghị định thư liên quan đến dự án xây dựng Hành lang Vận tải Bắc-Nam quốc tế (INSTC), với tổng chiều dài 7.200 km. Đây là tuyến trung chuyển hàng hóa quan trọng giữa Iran, Nga, châu Âu, Ấn Độ và khu vực Trung Á thông qua các mạnh lưới đường thủy, đường bộ và đường sắt.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Azerbaijan đã ra tuyên bố chung cam kết sẽ tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, cũng như làm sâu sắc và mở rộng đối thoại chính trị ở mọi cấp độ khác nhau về tất cả vấn đề mà các bên có lợi ích. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh quyết tâm chống lại chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, buôn bán vũ khí trái phép, các chất ma túy và tiền chất ma túy, buôn người và tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin...

Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp ba bên Nga, Iran và Azerbaijan đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ của Iran với các nước Á-Âu và Caucasus, đem lại lợi ích cho tất cả các bên, mở ra nhiều cơ hội giúp Tehran phục hồi nền kinh tế và hội nhập trở lại thị trường toàn cầu.

Trang mới trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 9-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có chuyến công du tới Nga. Chuyến thăm lịch sử đầu tiên kể từ sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga tại Syria hồi tháng 11-2015 đã mở ra trang mới trong quan hệ giữa hai nước.

Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã nhất trí về sự cần thiết phải bình thường hóa quan hệ, thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu; đồng thời nhất trí hủy bỏ các biện pháp hạn chế và hợp tác trong vấn đề Syria. Trong thời gian tới, Nga sẽ từng bước hủy bỏ các lệnh trừng phạt và những hạn chế đối với các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ mà Moskva áp đặt sau vụ chiến đấu cơ của Nga bị lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại Syria hồi năm ngoái.

Rõ ràng, việc Tổng thống Tayyip Erdogan chọn Nga là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7 vừa qua trong khi tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang rất phức tạp, cho thấy Ankara đặc biệt quan tâm và mong muốn khôi phục quan hệ hợp tác với Moskva. Dù thừa nhận hai bên còn nhiều việc phải làm để khôi phục quan hệ như trước, song nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định chuyến công du tới Nga của ông lần này là "chuyến thăm lịch sử", và cuộc gặp tại Saint Peterburg là một "sự khởi đầu mới" cho quan hệ hai nước.

Nhật Bản-Trung Quốc lại căng thẳng vì quần đảo tranh chấp

Ngày 9-8, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến trụ sở Bộ Ngoại giao để phản đối việc các tàu của Chính phủ Trung Quốc tái diễn hành động xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh với Đại sứ Trung Quốc rằng, môi trường xung quanh các mối quan hệ Nhật-Trung "đang xấu đi rõ rệt" và Trung Quốc phải rút các tàu khỏi vùng biển tranh chấp để giải quyết căng thẳng. Ông Kishida nêu rõ, Nhật Bản không thể chấp nhận cách ứng xử của Trung Quốc "đơn phương" làm gia tăng căng thẳng, như điều các tàu của chính phủ đi vào vùng biển mà Tokyo khẳng định thuộc lãnh hải của Nhật Bản.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa cho biết ông đã khẳng định với Ngoại trưởng Kishida rằng việc các tàu Trung Quốc hoạt động trên vùng biển gần lãnh thổ của Trung Quốc "là điều đương nhiên".

Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc liên tiếp đưa các tàu đến vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có thể khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng này lại nổi sóng. Tuy đây không phải lần đầu quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản căng thẳng vì những tranh chấp chủ quyền biển đảo, song với nhiều lợi ích ràng buộc, chắc chắn hai đầu tàu kinh tế thế giới không thể để những tranh chấp nhỏ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Theo một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, Tokyo đang xúc tiến các cuộc thảo luận cấp cao với Bắc Kinh liên quan tới việc tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, Tokyo đang xem xét sắp xếp cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Fumio Kishida với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong vài ngày tới để thảo luận vấn đề trên.

Người dân Thái Lan ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới

Ngày 10-8, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (TEC) đã công bố kết quả cuối cùng cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới, theo đó văn bản này đã nhận được sự ủng hộ của 61,35% cử tri. Với kết quả trên, bản dự thảo mà chính quyền quân sự Thái Lan đưa ra trưng cầu vừa qua sẽ trở thành Hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của nước này, bắt đầu từ năm 1932. Đây được đánh giá là một chiến thắng thuyết phục của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong "phép thử" lớn nhất của công luận kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2014 sau một cuộc đảo chính.

Giới phân tích cho rằng, việc đa số người dân Thái Lan bỏ phiếu ủng hộ bản Dự thảo Hiến pháp mới đã cho thấy nỗi khát khao được sống trong một đất nước bình yên, ổn định. Vào thời điểm khủng hoảng chính trị xảy ra tại quốc gia này, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã thiệt hại ước tính 70 tỷ baht, du lịch giảm sút, xuất khẩu, đầu tư đình trệ... Đến quý I năm 2016, tăng trưởng GDP của Thái Lan đã đạt 3,2% - mức tăng cao nhất trong vòng ba năm gần đây. Do đó, cho dù thế nào thì những nỗ lực của chính quyền quân sự với 10 biện pháp kích thích nền kinh tế có tổng ngân sách 645 tỷ baht đã được chứng minh bằng những số liệu thực tế. Điều đó cũng mang đến niềm tin cho dân chúng Thái Lan rằng, xứ chùa Vàng sẽ tiếp tục gặt hái được thành công, tăng sức cạnh tranh nếu có được sự ổn định chính trị. Theo kế hoạch của Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), sau khi Hiến pháp được thông qua, cuộc tổng tuyển cử mới được tiến hành vào tháng 11-2017 sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu một thời điểm mới của Thái Lan.

Nga - Ukraine lại căng thẳng vì Crimea

Ngày 10-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Ukraine đang "lựa chọn khủng bố thay vì hòa bình", và Kiev đang "chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm", sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã đập tan hàng loạt âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo Crimea, nơi đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Theo FSB, Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau âm mưu khủng bố trên và mục đích của các hành động này là nhằm gây mất ổn định trong khu vực trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga vào tháng tới.

Ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Bộ Ngoại giao nước này đã đồng loạt phủ nhận những cáo buộc trên của Nga, đồng thời tuyên bố Nga đang tăng cường quân, cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự gần Crimea. Trong một tuyên bố, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng cáo buộc của Nga là "vô lý và thiếu cân nhắc", đồng thời ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass ở miền Đông Ukraine "sẵn sàng cho chiến tranh".

Các nhà phân tích cho rằng, với hàng loạt khác biệt trong nhiều vấn đề, mối quan hệ vốn đã xuống cấp nghiêm trọng giữa Nga và Ukraine lại tiếp tục chìm sâu hơn vào nghi kỵ và bất đồng sau vụ việc lần này. Hệ quả tình trạng này chắc chắn sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của hai nước, mà còn tác động đến an ninh, hòa bình tại khu vực.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam