Hầu hết các ngư dân khi bị bắt đều không biết rằng tàu của mình đã vi phạm vùng biển của Indonesia, bởi việc tàu đi đâu đều do thuyền trưởng và máy trưởng quyết định. Với tuổi đời còn trẻ (17-23) và nhận thức hạn chế, cả về kiến thức địa lý cũng như quyền và nghĩa vụ của người lao động, nhiều ngư dân chỉ biết rằng họ được thuê lên tàu để đi “lộng” tức là đi gần bờ hay đi “khơi” là đi xa bờ. Khi đã ra biển, họ không biết tọa độ nào là được phép hay không được phép hoạt động. Thời gian qua, số ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ ngày càng nhiều, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta đã hết sức nỗ lực để sớm đưa các ngư dân này về nước, song lại có những đợt ngư dân bị bắt giữ tiếp theo, với số lượng lớn hơn. Ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác Lãnh sự của Đại sứ quán cho biết, thời gian qua, số ngư dân Việt Nam bị bắt tại Indonesia tăng đột biến. Cơ quan chức năng của Indonesia thông báo các nhà tù, trại giam ở các tỉnh, địa phương đã xảy ra hiện tượng quá tải. Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước cũng như các cơ quan chức năng ở nước sở tại để hỗ trợ ngư dân và thực hiện công tác bảo hộ công dân, đưa ngư dân về nước sớm nhất có thể. Trong thời gian tới, Đại sứ quán cũng sẽ kiến nghị các biện pháp cần thiết để giảm thiểu tình trạng ngư dân ta sang vùng biển của Indonesia đánh bắt cá trái phép.
Theo TTXVN