1. Nhân chuyến thăm tới Mỹ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Mỹ Obama đã trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Eo biển (Singapore). Về vụ kiện lên Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp tại Biển Đông, Tổng thống Obama cho biết, Philippines đã rất nỗ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc bằng con đường pháp lý và hòa bình thông qua Tòa Trọng tài.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama trả lời báo chí về vấn đề Biển Đông kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12-7 vừa qua.
Theo ông Obama, phán quyết của Tòa Trọng tài là rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các tranh chấp ở Biển Đông mà Trung Quốc và Philippines là hai bên có liên quan và cần phải tôn trọng.
Tổng thống Obama nhấn mạnh, Mỹ luôn cam kết bất kỳ hành động nào của mình cũng phù hợp luật pháp quốc tế và sự tham gia của Mỹ tại châu Á không nhằm vào một quốc gia nào. Ông cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và các nước có tranh chấp hợp tác một cách xây dựng để giải quyết các bất đồng ở Biển Đông-tuyến đường rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu-có thể trở thành yếu tố thúc đẩy thương mại và hợp tác; tin tưởng rằng mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm những nước có tranh chấp ở Biển Đông và đây không phải là một vấn đề có thể lựa chọn. Việc tôn trọng luật pháp là lợi ích của Mỹ, Trung Quốc và toàn bộ các quốc gia trên thế giới, là nền móng để bảo đảm sự ổn định trong khu vực, bảo đảm sự thịnh vượng và phát tiển của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
2. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM) và các Hội nghị liên quan tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng kinh tế ASEAN+3 lần thứ 19 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các Bộ trưởng ba nước đối tác đều đánh giá cao sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; khẳng định điều này không chỉ giúp ASEAN trở thành một khu vực hội nhập hơn, gắn kết hơn, mà còn trở thành một khu vực có tính cạnh tranh và sự năng động cao hơn; góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế tại khu vực, hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi không chắc chắn, các Bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng với kết quả quan hệ thương mại và đầu tư bền vững giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong năm 2015, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN với ba nước đối tác đạt 706,6 tỷ USD, tương đương hơn 31% tổng giá trị thương mại của ASEAN. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ ba nước đối tác vào ASEAN đạt 31 tỷ USD trong năm 2015, chiếm 26% tổng vốn FDI đổ vào ASEAN.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị AEM lần thứ 48, Hội nghị Hội đồng khu vực Mậu dịch tự do (AFTA) lần thứ 30 cũng đã diễn ra. Tại hội nghị, các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong việc giảm dần và xóa bỏ thuế tại ASEAN.
Tính chung, đã có 96,01% tất cả các dòng thuế tại ASEAN được xóa bỏ. Tới năm 2018, tỷ lệ thuế được xóa bỏ tại ASEAN sẽ là 99,20%, trong khi tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sẽ là 97,81% và ASEAN nói chung sẽ là 98,67%.
Các Bộ trưởng cũng ghi nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN trong năm 2015 đạt 120 tỷ USD, trong khi FDI nội khối của ASEAN vẫn ở mức ổn định đạt 22,1 tỷ USD, dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng tích cực của việc hội nhập kinh tế ASEAN trong việc thúc đẩy khu vực trở thành một điểm đầu tư ưa thích.
PV