WWF: Biển xanh đóng góp cho kinh tế thế giới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm

Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vừa công bố báo cáo “Hồi sinh Kinh tế Biển” nhấn mạnh biển xanh là yếu tố chính đóng góp cho nền kinh tế thế giới, với giá trị ước tính 2.500 tỷ USD/năm, chỉ đứng sau nền kinh tế lớn thứ 6 hiện nay là Anh.

Theo báo cáo, giá trị to lớn nói trên được tạo ra từ các hoạt động thương mại theo đường biển; hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp và cảng biển; vận tải biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển; khai thác dầu và khí đốt; du lịch biển và dịch vụ nghỉ dưỡng cũng như các hoạt động phụ trợ khác như hậu cần, giao nhận vận tải, đánh giá kiểm định chất lượng tàu biển,... Các hoạt động kinh tế biển còn giúp tạo ra hàng trăm triệu việc làm trong nhiều ngành nghề như du lịch, ngư nghiệp, năng lượng...

Không chỉ có những đóng góp quan trọng về mặt kinh tế, các đại dương còn sản sinh khoảng một nửa lượng oxy của Trái Đất, đồng thời hấp thụ 30% lượng khí thải gây ô nhiễm và cũng là “ngôi nhà” của một lượng lớn sinh vật biển, từ những sinh vật đơn bào cho đến những loài cá khổng lồ như cá voi xanh. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm từ biển đang giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực của con người, với 20% lượng protein mà 3 tỷ người trên thế giới tiêu thụ là từ tôm cá biển. Vai trò của nguồn thực phẩm này được xem như một phần quan trọng trong giải pháp chống nghèo đói trên toàn cầu khi dân số thế giới ngày một tăng nhưng hệ thống nông nghiệp chưa thể đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm.

Tuy nhiên, trước thực trạng tài nguyên biển đang bị xói mòn nhanh chóng, số lượng sinh vật biển suy giảm nghiêm trọng và tình trạng ô nhiễm tràn lan, WWF đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu vạch ra một kế hoạch để “hồi sinh” kinh tế biển với 8 hành động gồm: Các chính phủ phải theo đuổi các Mục tiêu Phát triển Bền vững, với cam kết sử dụng công cụ chính sách, tài chính, thương mại và cả công nghệ để bảo tồn sinh vật biển; Giải quyết những vấn đề nghiêm trọng như tình trạng gia tăng nhiệt độ và axít hóa các đại dương đi đôi với cắt giảm mạnh khí thải gây ô nhiễm; Các quốc gia ven biển cần mở rộng khu vực biển và bờ biển được bảo tồn và quản lý một cách hiệu quả trong thời gian tới; Tiến hành hoạt động bảo vệ môi trường sống kết hợp với quản lý nguồn hải sản; Các quốc gia cần hợp tác gây quỹ hỗ trợ các nước dễ tổn thương do tác động từ sự suy giảm tài nguyên biển; Minh bạch các nguồn lợi từ biển; Các nhà lãnh đạo cần xây dựng những mối quan hệ đối tác công- tư để thiết lập một mạng lưới chia sẻ ý tưởng bảo vệ biển cũng như tăng cường chia sẻ thông tin một cách hiệu quả hơn nữa.

Theo TTXVN