Theo tiêu chí trên, các tòa nhà như trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm, chợ, trung tâm ăn uống sẽ bắt buộc phải xây dựng những lối đi có thể sử dụng xe lăn và những thiết bị khác của người khuyết tật như bổ sung các tính năng truy cập cho người mù và khiếm thính, chẳng hạn như bảng chỉ dẫn chữ nổi và hệ thống vòng lặp cảm ứng... cũng như đảm bảo bố trí ít nhất một phòng vệ sinh phù hợp cho đối tượng này.
Để thực hiện được mục tiêu trên, BCA cho biết từ năm tới sẽ đưa ra những quy định mới đối với chủ sở hữu các tòa nhà thương mại, công trình công cộng. Bên cạnh đó, BCA cũng tăng cường khả năng tiếp cận Quỹ Hỗ trợ trị giá 40 triệu SGD (hơn 30 triệu USD) thông qua việc gia hạn đến tháng 3/2022, thay vì vào đầu năm tới, nhằm khuyến khích chủ sở hữu các tòa nhà có kế hoạch cải tiến phù hợp với quy định mới, trong đó mức hỗ trợ cao nhất mà một chủ tòa nhà có thể nhận được là 300.000 SGD.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, ông Lawrence Wong (Lo-ren Oong) nhấn mạnh quy định này được đưa ra nhằm hỗ trợ người già và người khuyết tật trong việc tiếp cận các dịch vụ của xã hội. Hiện Singapore đang phải đối mặt với vấn đề dân số già hóa và theo ước tính, đến năm 2030, cứ 4 người Singapore sẽ có 1 người ở độ tuổi trên 65. Trong khi đó, hầu hết các tòa nhà cũ được xây dựng từ trước năm 1990 tại nước này chưa có các điều kiện hỗ trợ tốt cho người già và người khuyết tật.
Trước mắt, việc cải tiến sẽ được thực hiện từ các tòa nhà thuộc khu vực công, các công trình công cộng nhằm đảm bảo tiếp cận với các tiêu chuẩn thiết kế toàn cầu; sau đó là các tòa nhà tư nhân. BCA cũng cho biết sẽ tham khảo ý kiến đối tác ba bên gồm các cơ quan nhà nước, các nhà xây dựng và các tổ chức phúc lợi xã hội tự nguyện trước khi áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định mới.
Theo TTXVN