Chủ tịch Quốc hội Nguyên Thi Kim Ngân khai mac Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV.
(Ảnh: chinhphu.vn)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Việt Nam khóa XIV
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu. Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề...
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 27
Từ ngày 16 đến 18/7, với chủ đề "2016: Năm châu Phi về quyền con người, chú trọng quyền phụ nữ", Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (Liên minh châu Phi) lần thứ 27 đã diễn ra tại Cộng hòa Rwanda. Để thúc đẩy các quyền con người cơ bản, hội nghị đã tập trung tìm giải pháp cho các “điểm nóng” trong khu vực và đẩy mạnh các chiến lược về tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như cải thiện cuộc sống của người dân.
Kết thúc hội nghị, Liên minh châu Phi đã thông qua đề xuất triển khai một lực lượng bảo vệ khu vực tới Nam Sudan, với trách nhiệm lớn hơn lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiện đã triển khai ở nước này. Bên cạnh đó, Liên minh châu Phi cũng nhất trí để Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi tại Somali (AM”Nhà nước Hồi giáo”OM) bắt đầu rút khỏi quốc gia Đông Bắc Phi này vào năm 2018. Liên minh châu Phi cũng sẽ hỗ trợ Rwanda chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội dự kiến vào cuối năm 2016. Ngoài ra, lãnh đạo các quốc gia thành viên nhất trí thành lập một quỹ đặc biệt để đối phó với các hoạt động khủng bố đang gia tăng tại lục địa này. Quỹ này sẽ được các chính phủ Liên minh châu Phi, cộng đồng quốc tế và các đối tác tài trợ.
Bên cạnh việc tìm giải pháp cho các “điểm nóng” trong khu vực, hội nghị còn tập trung thảo luận về chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững. Các nhà lãnh đạo châu Phi nhất trí đẩy nhanh nỗ lực hướng tới việc thành lập Khu vực thương mại tự do châu Phi (CFTA). Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo châu Phi chưa thể bầu được Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi do không ai trong số ba ứng cử viên đến từ Botswana, Guinea Xích đạo và Uganda hội đủ 2/3 đa số phiếu bầu cần thiết để chiến thắng. Vì vậy, bà Nkosazana Dlami-Zuma, Chủ tịch hiện tại của Ủy ban Liên minh châu Phi, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này cho đến Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần tới vào tháng 1/2017.
Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa (Mỹ)
Sau 4 ngày (từ ngày 18 đến 21/7), tại thành phố Cleveland của tiểu bang Ohio (Ô-hai-ô), Đại hội toàn quốc lần thứ 41 của đảng Cộng hòa đã kết thúc với việc thông qua Cương lĩnh chính trị và nhất trí đề cử tỷ phú Donald Trump làm ứng cử viên chính thức của đảng này ra tranh cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào tháng 11 tới.
Giới phân tích cho rằng, bản Cương lĩnh chính trị của đảng Cộng hòa năm nay có xu hướng thiên hữu hơn với lập trường cứng rắn về mọi vấn đề và có một số điều chỉnh cho phù hợp với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bằng chứng là văn bản này đã thể hiện sự ủng hộ với ông Trump và nhắc lại một số luận điểm chính trong chiến dịch tranh cử của nhà tỷ phú này, đặc biệt là vấn đề di cư và an ninh quốc gia. Bản cương lĩnh ủng hộ quan điểm của ông Trump siết chặt kiểm soát người nhập cư và an ninh quốc gia khi ủng hộ việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Cương lĩnh cũng kêu gọi áp đặt “kiểm soát đặc biệt” với những người nước ngoài muốn vào Mỹ từ những quốc gia “bảo trợ khủng bố”. Cương lĩnh cũng đi ngược lại tiêu chí đảm bảo tự do thương mại toàn cầu khi chỉ ủng hộ “những thỏa thuận thương mại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết”. Theo nhà hoạt động tôn giáo David Barton: “Đây là một cương lĩnh bảo thủ nhất trong lịch sử hiện đại”.
Trong khi đó, việc ông Trump trở thành gương mặt đại diện của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là một sự kiện lịch sử của đảng này. Từ chỗ phản đối gay gắt, đến nay, nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa và các cử tri đang bắt đầu hợp nhất ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là sự thống nhất có phần “gượng gạo" của giới chức đảng Cộng hòa, bởi lẽ ông Trump vốn là một “người ngoại đạo” với vốn liếng kinh nghiệm chính trị ít ỏi và thiếu tố chất của một tổng thống. Do vậy, nếu muốn trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump cần biến cuộc bầu cử thành một phép thử đối với uy tín của đối thủ tiềm tàng là bà Clinton.
Bất ổn trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gây quan ngại
Ngày 19/7, trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vừa đạt được thỏa thuận triển khai Hệ thống phóng thử tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đặt tại Hàn Quốc vào cuối năm 2017, CHDCND Triều Tiên đã tiếp tục phóng 3 tên lửa đạn đạo, được xác định là tên lửa Scud, ra phía biển Nhật Bản. Các tên lửa đã bay xa 500-600 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc cho rằng các tên lửa này có tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc. Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên phóng các tên lửa đạn đạo, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối.
Giới phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên tiếp tục là một thách thức đối với dư luận quốc tế. Đáng quan ngại hơn, việc CHDCND Triều Tiên liên tục có những đe dọa tấn công nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc, cũng như những tuyên bố răn đe và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Hàn Quốc và Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên cho thấy sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên không chỉ đe dọa an ninh trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Những tuyên bố và động thái đáp trả từ cả hai phía đã trở thành lực cản chính trên con đường tìm kiếm ổn định và hòa bình trên bán đảo này.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác đối với CHDCND Triều Tiên xem ra vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Điều quan trọng là các bên liên quan phải cùng tìm được tiếng nói chung để có thể gỡ bỏ một chương trình hạt nhân không kiểm soát tại Bán đảo Triều Tiên.
Liên quân quốc tế nỗ lực chống “Nhà nước Hồi giáo”
Trong hai ngày 20 và 21/7, trong một nỗ lực nhằm đánh bại Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng trong liên minh chống “Nhà nước Hồi giáo” đã tham dự hội nghị lần đầu tiên tại thủ đô Washington, Mỹ.
Tại hội nghị do Mỹ chủ trì, 40 Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng trong liên minh chống “Nhà nước Hồi giáo” đã tập trung thảo luận việc đẩy mạnh đánh bại “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq và Syria và sự cần thiết phải giải quyết các mạng lưới toàn cầu của tổ chức khủng bố này. Các Bộ trưởng đã nhất trí xây dựng một kế hoạch quân sự nhằm tiêu diệt “Nhà nước Hồi giáo” tại Iraq và Syria với 3 mục tiêu chính: tiêu diệt đầu não “Nhà nước Hồi giáo” tại Iraq và Syria, "khoanh vùng" ảnh hưởng của “Nhà nước Hồi giáo” đang có xu thế lan rộng toàn cầu và đảm bảo an ninh nội địa trước các nguy cơ tấn công khủng bố.
Theo các nhà phân tích, để chống “Nhà nước Hồi giáo”, chỉ dựa vào hành động quân sự là chưa đủ mà cần triển khai một cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng nhằm triệt tận gốc ý thức hệ của tổ chức này. Rõ ràng việc này là cần thiết và cấp bách, đặc biệt khi “Nhà nước Hồi giáo” đang lợi dụng internet để tuyên truyền tư tưởng cực đoan thánh chiến, đồng thời sử dụng tin tặc để thực hiện các cuộc tấn công mạng thường xuyên hơn.
Với những nguy cơ đe dọa ngày càng lớn đến từ “Nhà nước Hồi giáo”, việc Hội nghị liên minh ngoại trưởng và quốc phòng đầu tiên về chống “Nhà nước Hồi giáo” nhất trí một kế hoạch mới nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố nguy hiểm này một lần nữa cho thấy quyết tâm bóc sạch “khối u” khủng bố của cộng đồng quốc tế.
Cuộc đua vào vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Ngày 21/7, các đại sứ của 15 nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc bỏ phiếu kín không chính thức để bầu chọn vị tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Theo kết quả cuộc bỏ phiếu đầu tiên, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guteres là ứng cử viên nhận được nhiều phiếu "ủng hộ" nhất trong 12 ứng viên tham dự.
Đứng thứ hai là cựu Tổng thống Slovenia ông Danilo Turk. Có ba ứng cử viên cùng đứng vị trí thứ ba là Tổng Giám đốc UNESCO, cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova; cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgian Kerim. Trong đó, bà Bokova nhận được 9 phiếu “ủng hộ" - số phiếu cao nhất trong số các nữ ứng cử viên. Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nguyên Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark, xếp thứ tư. Còn cựu Ngoại trưởng Argentina Susanna Malcorra nhận được ít phiếu ủng hộ hơn, đứng thứ năm. Ba ứng cử viên xếp cuối danh sách là nhà ngoại giao người Costa Rica Christiana Figueres, cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman và Cựu Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic.
Có khả năng sẽ có thêm ứng cử viên tham gia cuộc đua chức Tổng Thư ký này vì không có thời hạn chót cho việc đề cử. Theo dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu không chính thức nữa vào tuần tới, tiếp theo là một số cuộc trong tháng 8 và có thể cả trong tháng 9 trước khi đưa ra kiến nghị trước Đại Hội đồng vào tháng 10 tới.
Như vậy, với cuộc bỏ phiếu ngày 21/7, Hội đồng Bảo an đã bước vào một giai đoạn quan trọng của tiến trình bầu chọn người đứng đầu Liên hợp quốc - nhân vật sẽ giữ trọng trách cao cả trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trong bối cảnh thế giới đang thay đổi và có nhiều biến động.
Xả súng tại trung tâm mua sắm Olympia, thành phố Munich (Đức)
Một vụ xả súng kinh hoàng đã diễn ra vào khoảng 17h30 tối 22/7 tại nhà hàng McDonald's đối diện trung tâm mua sắm Olympia (OEZ) ở Munich. Các nhân chứng cho biết thủ phạm dường như đã giấu súng ngắn trong toilet ở quán ăn nhanh từ trước đó. Sau khi nổ súng trong quán ăn nhanh này, đối tượng đã tiếp tục chạy sang trung tâm mua sắm OEZ và xả súng ở đó.
Theo đài phát thanh Bayern, đa số những nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng đều là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14-21. Ngoài ra, còn có khoảng 20 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó 3 người bị thương nặng.
Ngày 23/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra tuyên bố lên án vụ xả súng đẫm máu tại Munich. Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Merkel cho biết bản thân bị sốc khi nhận được tin về vụ xả súng, gọi đây là một "đêm kinh hoàng". Bà cũng bày tỏ chia sẻ với những nỗi đau mà các nạn nhân và thân nhân gặp phải tối 22/7, đồng thời cam kết sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn tới vụ việc đáng tiếc ở Munich cũng như hành động "cực đoan hóa" liên quan tới hung thủ gây ra vụ tấn công bằng rìu trên một chuyến tàu hỏa vài ngày trước đó tại thành phố Wuerzburg, bang Bavaria, khiến 5 người bị thương. Bà Merkel cũng hoan nghênh lực lượng an ninh được triển khai trong vụ tấn công ở Munich cũng như việc người dân ở thành phố này đã hết lòng hỗ trợ lực lượng an ninh truy tìm hung thủ gây án.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam