Em là cô gái mở đường

(NTO) Đó là những cô gái thanh niên xung phong (TNXP) mở đường Trường Sơn năm xưa. Họ vốn là những thôn nữ tuổi độ trăng tròn tình nguyện lên đường vào mùa xuân năm 1973, ngay sau khi Mỹ buộc phải ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Các cô gái bé nhỏ chưa một lần xa mẹ, làm việc nặng, vào Trường Sơn phá núi, mở đường cho các binh đoàn quân giải phóng tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 
Nữ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Tháng 8-1975, tôi nhớ như in buổi chiều Trung đội nam vừa huấn luyện xong từ đồng bằng được tăng cường về Đại đội nữ TNXP ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trên xe ô tô, nhìn từ xa dễ dàng nhận thấy những nữ thanh niên áo xanh màu cỏ úa háo hức đứng ven đường chờ đón. Thật bất ngờ khi chúng tôi bước xuống xe, tất cả trở lên trầm lặng. Nhìn các chị trẻ tựa chúng tôi nhưng sao da xanh nhợt, môi thâm tái. Trung đội nam chúng tôi được nghỉ một ngày để tắm giặt, làm quen và ổn định tổ chức. Buổi đầu tiên đi làm là ngày học việc, giáo viên không ai xa lạ, là những người đã đón chúng tôi. Mỗi chị đảm nhận hướng dẫn hai học viên về kỹ thuật sử dụng máy khoan đá (loại sử dụng hơi làm lực khoan). Nhìn các chị khoan mẫu, mũi khoan nhẹ nhàng xuyên ngọt xuống tảng đá chẳng mấy chốc đạt độ sâu cần thiết. Cứ tưởng là dễ nhưng khi cầm máy bấm nút hoạt động chúng cứ nhảy lên bần bật ra khỏi vị trí định khoan, có lúc bay khỏi tay. Nhìn chúng tôi thực hành, các chị cười “đích thực lính công tử bột”. Sau khi sử dụng thành thạo máy khoan đá ngoài bề mặt phẳng, chúng tôi được hướng dẫn khoan hầm xuyên lòng núi. Sau mỗi ca vào hầm khoan đá, dù đã mang kính bảo hộ, găng tay, khẩu trang, bông bịt hai tai nhưng tóc bụi phủ trắng phơ, tai ù điếc, họng chứa đầy bụi đá. Việc khoan cả núi đá, đánh mìn lấy đá làm đường vừa nặng nhọc, vừa nguy hiểm tới tính mạng, lính trai trẻ như chúng tôi còn e ngại nhưng những cô thôn nữ bé nhỏ đã đảm nhận mà không một lời phàn nàn. Khi chúng tôi đảm nhận công việc khoan đá thì các chị đội nắng Trường Sơn ngày ngày san đất, bê lát đá hộc, san đá 4x6, phủ nước nhựa đường cho xe rải thảm nhựa mỗi cung đường. Đâu chỉ có vậy, lũ ruồi vàng vốn thích mùi thuốc bộc phá (vật liệu nổ để phá đá làm đường), hơi nhựa đường tụ tập đến và tấn công các chị bất cứ chỗ nào. Sau mỗi lần đốt, nọc độc của chúng để lại trên cơ thể vết sẹo bằng hạt gạo và những trận sốt rét rừng bất chợt… để rồi những đôi tay thon nhỏ, xinh đẹp tuổi mười tám, đôi mươi trầy xước, rớm máu. Những khuôn mặt trắng hồng, bờ môi như son thuở mới vào Trường Sơn nay tái xanh, thâm đen, trên má ai đó còn có vết loang lổ, dấu tích cái nóng nhựa đường và nắng như thiêu đốt tạo ra.

Tháng 10-1978, chúng tôi tạm biệt các chị lên đường làm nghĩa vụ quốc tế nơi nước bạn. Sau này, gặp lại anh quản lý đơn vị cũ tôi mới biết, trong lần đón chúng tôi, các chị mừng hụt bởi tưởng là những anh lính lớn tuổi, ai dè “lũ học trò khoác áo lính trói gà chưa chặt”! Và không biết trong số các chị cùng đơn vị chúng tôi năm ấy trở về quê hương thì mấy chị có nổi tấm chồng, một đứa con để bầu bạn. Đã có những trang trại “không chồng” do các chị cựu TNXP cùng nhau dựng lên để làm nơi nương tựa và những ngôi làng “không chồng” bởi ở đó, các chị không có cơ hội làm vợ, làm mẹ cũng chỉ vì nhan sắc đã để lại Trường Sơn rồi. Thế hệ nữ TNXP chống Mỹ ở Trường Sơn là bản anh hùng ca về người con gái Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận đầy đủ chất tráng ca khi ông qua Trường Sơn: “Trường Sơn, đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình!”. Trong những ngày đất nước sôi nổi kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-2016, những chú lính “trói gà chưa chặt” lại nhớ về các chị. Xin phép gọi chị là em, cô gái mở đường bởi nhờ tuổi thanh xuân của em mà con đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh nay đã trở thành con đường huyền thoại trong ký ức mỗi người dân Việt và trong lòng bạn bè quốc tế. Ngày nay, mọi người trên những chuyến xe bon bon dọc đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh chắc sẽ nhớ nhiều đến em, cô gái mở đường.