Gia đình chị nông dân có con gái đỗ thủ khoa vốn thuộc loại kinh tế khá giả của xóm. Anh học xong trung cấp sửa chữa máy phát điện rồi về làm công nhân, có nhiệm vụ bảo trì máy phát điện diesen của Điện lực huyện, chị ở nhà làm nông. Ông bà, cha mẹ anh ngày xưa thuộc diện bần cố nông (nông dân không có ruộng đất phải làm thuê cho địa chủ), cả đời cái đói, cái nghèo dai dẳng bám theo. Bởi vậy nên các cụ mong muốn con cháu mình sau này có cuộc sống khá giả. Cha mẹ anh bảo: Anh chị sinh con nhớ đứa đầu đặt tên là Sang, đứa sau đặt tên Giàu để sau này mình sang-giàu, chứ nghèo khổ như cha mẹ là không được. Nghe lời cha mẹ, anh chị sinh trai đầu, gái sau đặt tên như ông bà chúng mong muốn. Khổ nỗi, cái xóm nghèo nơi anh chị ở không có gì là không thành chuyện. Nghe chuyện gia đình anh đặt tên cho các cháu, mấy người dị nghị, họ loan truyền đầu trên, ngõ dưới rằng, cái nhà ba đời làm thuê không mảnh đất cắm dùi, nay nhờ đất nước giải phóng có công ăn việc làm, chưa chi đã làm mặt “chảnh”.
Nghe chuyện, anh chị lặng thinh rồi nói với các con: Ông bà nội, ngoại các con xưa kia làm thuê cả đời khổ cực, cha mẹ thì học hành chẳng bao nhiêu, may mà cha được làm công nhân, các con ráng học hành đến nơi, đến chốn để sau này có kiến thức vươn lên trong cuộc sống, đừng để người khác xem thường. Và mặc cho ai đó nói gì, gia đình anh chị vẫn nỗ lực cần mẫn lao động kiếm tiền sinh sống. Chị vốn sáng dạ, chịu khó đọc sách, tìm người học hỏi kinh nghiệm trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Nhờ chăm chỉ, biết ứng dụng khoa học-công nghệ, lúa chị trồng cho năng suất cao hơn hẳn, nho trái trĩu giàn, nuôi dê trúng lúc giá lên, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày một khấm khá hơn. Chị cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật với chị em trong xóm giúp họ cùng làm ăn tấn tới. Chồng chị công tác chăm chỉ, là người có nhiều sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả cho đơn vị, được cấp trên tặng thưởng danh hiệu thi đua, bằng lao động sáng tạo. Bởi vậy, chị được mọi người trong xóm tin cậy, yêu mến, anh được đồng nghiệp, cấp trên tin tưởng. Vợ chồng họ ngẫu nhiên trở thành cặp vợ chồng mà nhiều người lấy đó làm gương để học tập. Hai đứa con anh chị ngoan hiền, chăm chỉ học hành. Chúng không chỉ được bạn bè, thầy cô trên lớp thương yêu mà những đứa bạn cùng trang lứa nơi xóm nhỏ nể phục. Ngoài giờ học hành ở trường, hai đứa con anh còn kèm giúp những đứa bạn học lực yếu trong xóm và được chúng tôn làm “sư phụ”. Đứa con gái đầu của anh chị theo học Đại học chuyên ngành Đông phương học, tốt nghiệp bằng đỏ được học bổng toàn phần du học thạc sĩ, Đại học Seoul, trường đại học tổng hợp tốt nhất Hàn Quốc, hiện cháu đang làm việc tại một tập đoàn tên tuổi của nước bạn. Đứa chị làm gương cho đứa em và nay cháu trai thi đạt thủ khoa trung học phổ thông toàn tỉnh. Giờ đây, chuyện các con của anh chị học giỏi, thành đạt, không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà của cả xóm nhỏ thôn quê này, ai ai cũng bàn tán, có con cái học giỏi thật là mát mày, mát mặt.
Chuyện xưa nơi xóm nhỏ người ta kháo nhau việc anh chị đặt tên con đã lùi vào dĩ vãng. Không chỉ xóm nhỏ nơi gia đình anh chị ở, mà cả nơi anh công tác ai ai cũng đồng lòng: Có con học giỏi, thành đạt như anh chị thì cứ phải “chảnh”! Câu chuyện nhắc chúng ta phải luôn luôn biết cách khơi dậy, phát huy tiềm năng trí tuệ của người Việt và cái nôi đầu tiên chính là gia đình, mà cụ thể là người làm cha, làm mẹ. Và ai đó có con cái học giỏi, thành đạt, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước mình thì tại sao lại không “chảnh” được nhỉ!?
Thanh Tâm