(NTO) Cây mãng cầu ta được trồng rất lâu tại Ninh Thuận nhưng còn phân tán. Trong 5 năm trở lại đây, diện tích cây mãng cầu ta đang phát triển mạnh, tăng về diện tích lẫn quy mô. Theo số liệu thống kê, năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 340ha diện tích trồng cây mãng cầu ta. Tuy vậy, cùng với việc phát triển diện tích mãng cầu tập trung ở một số địa phương, đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Rệp sáp (hay còn gọi là rệp bông, rệp sáp giả, có tên khoa học là Planococcus lilacinus) là một trong những đối tượng xuất hiện và gây hại phổ biến trên cây mãng cầu ta.
Quả mãng cầu ta bị rệp sáp gây hại tại phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.
Để phòng trừ rệp sáp có kết quả, bà con cần áp dụng những biện pháp phòng trừ tổng hợp sau:
- Biện pháp canh tác: Trồng mãng cầu với mật độ hợp lý, không nên trồng quá dày. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư xung quanh gốc cây mãng cầu ta, cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành tược, cành sát mặt đất, dọn sạch cỏ, lá cây rụng trong vườn, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế nơi sinh sống của rệp sáp. Tưới nước, bón phân đầy đủ nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp. Trong quá trình tưới chống hạn cho cây mãng cầu ta, nên sử dụng vòi bơm nước phun mạnh vào chỗ có nhiều rệp sáp đeo bám nhằm rửa trôi, tạo độ ẩm trên cây và giảm mật độ rệp sáp. Hun khói là một trong những biện pháp được khuyến cáo để hạn chế sự phát triển của rệp sáp hại cây trồng nói chung và mãng cầu ta nói riêng.
- Biện pháp sinh học: Bảo vệ và lợi dụng quần thể thiên địch tự nhiên có sẵn trên vườn mãng cầu ta như bọ rùa, bọ mắt vàng, bọ cánh gân, bọ xít đỏ, ong và nấm ký sinh để kiểm soát rệp sáp.
- Biện pháp hóa học: Thường xuyên kiểm tra vườn cây mãng cầu (ít nhất 1 tuần/lần), chú ý vào những bộ phận (chồi non, lá non, hoa, quả non) mà rệp sáp hay xuất hiện và gây hại để phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc hóa học. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu hoặc có phổ tác động hẹp, nên dùng loại không ảnh hưởng thiên địch có ích (bọ cánh cứng, ong ký sinh…).
Rệp sáp có một lớp sáp bao phủ bên ngoài, vì thế cần pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc để tăng khả năng bám dính. Phun thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì. Tuyệt đối không sử dụng thuốc không có nguồn gốc và không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng cho cây ăn quả nói chung và cây mãng cầu ta nói riêng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Đối với từng chủng loại thuốc, chú ý đọc kỹ hướng dẫn in trên vỏ bao bì về liều lượng và hướng dẫn sử dụng.
TS. Phan Công Kiên
Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố