Vấn đề hôm nay:

Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp

(NTO) Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp” giai đoạn 2013-2015 và hơn 1 năm thực hiện Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp” giai đoạn 2014-2015, một số huyện đã hoàn thành chỉ tiêu trồng cây xanh đúng tiến độ và cho kết quả khả quan. Điển hình như huyện Ninh Phước với chỉ tiêu được giao theo Đề án đến năm 2015 phải trồng 2.535 cây xanh tại thị trấn Phước Dân thì đến nay, huyện đã thực hiện đạt 92%; Ninh Hải là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nên tỷ lệ trồng cây xanh đô thị đã “vượt xa chỉ tiêu” mà Đề án giao cho huyện, đến nay huyện đã tổ chức trồng được 5.196 cây xanh tại thị trấn Khánh Hải, vượt 207% chỉ tiêu… Bên cạnh đó, vẫn có những huyện không đạt được chỉ tiêu do UBND tỉnh giao, như huyện Thuận Nam, chỉ trồng được 318/750 cây xanh tại Trung tâm huyện lỵ của huyện, đạt 42% chỉ tiêu Đề án giao. Riêng các chỉ tiêu về trồng hoa, cây cảnh và thu gom rác thải, hầu hết các huyện, thành phố đều hoàn thành khá tốt.

 
Công nhân chăm sóc cây xanh tại công viên 16 tháng 4. Ảnh: Văn Miên

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì một số nhiệm vụ chính của Đề án thực hiện còn thấp, như các chỉ tiêu: Trồng cây xanh tại các dự án đầu tư chỉ đạt 5% và tại các khu đô thị (thuộc nguồn vốn ngân sách) như: thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chỉ đạt 40%, Thuận Nam đạt 42%; các khu du lịch, điểm tham quan như: Tháp Pô Klong Garai, khu du lịch Vĩnh Hy, Cà Ná đạt rất thấp (từ 0%-56%). Tỷ lệ rác thải tại môt số khu đô thị được thu gom, vận chuyển, xử lý đạt bình quân 91%, riêng trung tâm huyện lỵ Bác Ái đến nay chưa tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt… Các nhiệm vụ như: Xây dựng các cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, thu gom rác thải tại các khu đô thị; quỹ đất xây dựng vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh; ươm và cung cấp cây giống cho các huyện, thành phố trồng theo kế hoạch của Đề án,… đến nay chưa được ban hành và triển khai thực hiện.

Qua khảo sát cho thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên thứ nhất, do chưa bố trí đủ kinh phí thực hiện, nhất là nhiệm vụ trồng cây xanh. Theo dự toán của Đề án thì tổng nhu cầu kinh phí để thành phố trồng 22.763 cây xanh (từ nguồn vốn ngân sách) khoảng gần 20 tỷ đồng, nhưng từ năm 2013 đến nay thành phố chỉ bố trí được 0,641 tỷ đồng để trồng 9.150 cây xanh. Thứ hai, quy hoạch vườn ươm cây xanh đô thị chưa được ban hành để làm cơ sở cho phát triển hệ thống vườn hoa, cây xanh và kêu gọi xã hội hóa. Chưa hình thành hệ thống ươm cung cấp giống cây xanh, hoa, cây cảnh cho việc phát triển cây xanh và vườn hoa đô thị của tỉnh. Cùng với đó là do các cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển cây xanh, vườn hoa, thu gom rác thải đô thị chưa được ban hành…

Thiết nghĩ, để có không gian đô thị hợp lý, hài hoà thì các cấp, ngành, địa phương cần xác định việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cây xanh đô thị và thu gom xử lý rác thải là những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cứu “lá phổi xanh”, tạo bản sắc riêng cho tỉnh nhà. Dự án quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị tỉnh ta đến năm 2020 cần tiếp tục được triển khai bằng những giải pháp có hiệu quả thiết thực, đưa ra được các tiêu chí về thiết kế hạng mục trong các đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, cải tạo, điều chỉnh, nâng cấp, đa dạng hoá chủng loại, chỉnh trang hệ thống cây xanh hiện có. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển môi trường bền vững, đề xuất các nhóm giải pháp về quy hoạch, phân bổ cây xanh đô thị theo mảng, hướng tuyến không gian, thời gian, danh mục cây, các mô hình quản lý, bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh có tầm nhìn phù hợp với quy hoạch chung phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nhất là hệ thống các khu công viên, vườn hoa, khu vui chơi, giải trí, các công trình văn hoá, cụm tượng đài, không gian giao cắt lập thể tại các nút giao thông…