Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Nam. Tỉnh đã từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được những thành quả to lớn trong nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Nổi bật là cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, văn hóa-xã hội được quan tâm giải quyết, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 12% theo tiêu chí mới. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, có tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân, giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương. Công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng và gian lận thương mại có chuyển biến tích cực. Cải cách thủ tục hành chính được tỉnh triển khai có hiệu quả ở cả 3 khâu (giảm hồ sơ, giảm thủ tục; giảm thời gian thực hiện và giảm chi phí thực hiện).
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội
của tỉnh Quảng Nam những tháng đầu năm. Ảnh VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tỉnh Quảng Nam phát triển tốt nhờ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính tốt, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lựa chọn đúng các nhà đầu tư chiến lược…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém, vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy cao nhất; tai nạn giao thông tuy có giảm sâu nhưng diễn biến còn rất phức tạp, vẫn còn tai nạn nghiêm trọng...
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm 2016 trên tất cả các lĩnh vực, gắn với việc thực hiện nghiêm túc, triệt để các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về điều hành kinh tế-xã hội; tập trung huy động sức dân trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi; tăng cường thu hút đầu tư, triển khai đúng tiến độ các dự án cũng như giải ngân đúng kế hoạch các dự án; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
Tỉnh cũng cần chú ý phát triển khu vực miền núi phía Tây của tỉnh còn nhiều khó khăn; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại; quan tâm giải quyết các bức xúc của dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp; chăm lo đến các lĩnh vực văn hóa-xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội, nhất là với các đối tượng chính sách, đặc biệt quan tâm công cuộc xóa đói giảm nghèo; bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.
Về tình hình khai thác khoáng sản, Phó Thủ tướng chỉ rõ, phải kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, nhất là xử lý nghiêm người cầm đầu trong các vụ việc gây chết người, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự. Đối với hai công ty khai thác vàng là Bồng Miêu và Phước Sơn, phải nộp đầy đủ thuế cho ngân sách, có công nghệ xử lý môi trường bảo đảm tiêu chuẩn, được cấp phép lại thì mới được xem xét hoạt động trở lại.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam. Ảnh VGP/Lê Sơn
Triển khai toàn diện Nghị quyết 35 của Chính phủ
Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp. Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Những vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp được tỉnh tập trung tháo gỡ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11,7% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng, chiếm 4,93% tăng trưởng kinh tế (giá trị sản xuất đạt 27.800 tỷ đồng, chiếm 33,9% trong cơ cấu kinh tế). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.000 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 664 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 267 triệu USD. Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường. Các nguồn thu nội địa, thu xuất khẩu đều tăng khá, an sinh xã hội được chăm lo, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh được giữ vững.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, tỉnh Quảng Nam xác định rõ tiếp tục triển khai toàn diện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, công tác giải phóng mặt bằng; triển khai các giải pháp huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tăng cường thu ngân sách, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, an sinh xã hội; tập trung xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông...
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là tình hình hoạt động và nợ thuế của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu. Ông Đinh Văn Thu cho biết Công ty này hiện đã bị đình chỉ hoạt động do hết thời hạn giấy phép khai thác. Trước đó, Công ty này đã hết hạn giấy phép khai thác từ 5/3/2016 nhưng vẫn cố tình khai thác vàng không phép, tỉnh Quảng Nam đã phải có hai văn bản liên tiếp yêu cầu dừng khai thác, Công ty này mới tạm dừng.
Đối với Công ty vàng Phước Sơn, giấy phép khai thác còn đến tháng 4/2017 nhưng trước đó Công ty đã dừng khai thác vàng hơn một năm vì nợ nần. Hiện Công ty này cũng đã chuẩn bị tái khởi động hoạt động vào tháng 8/2016 với sự bảo lãnh nợ của Ngân hàng Việt Á. Tổng số thuế mà Công ty này nợ lên tới 430 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khi tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ, quyết định cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để đánh giá toàn diện các tác động, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân, an ninh trật tự và những vấn đề có thể phát sinh để giải quyết phù hợp, tránh tình trạng sau khi đã cấp phép lại tác động xấu đến kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, kiên quyết đình chỉ hoạt động các tổ chức, cá nhân vi phạm trong khai thác khoáng sản.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, phải kiên quyết với các vấn đề nhức nhối của hai công ty khai thác vàng này, xử lý triệt để theo đúng quy định của pháp luật, không để kéo dài như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao công tác bảo trợ và an sinh xã hội như mua bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, chăm lo đời sống nhóm người yếu thế trong xã hội…
Nguồn www.chinhphu.vn