1. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, gỡ bỏ các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo động lực mạnh mẽ giải phóng các nguồn lực để phát triển đất nước.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh gắn với bảo đảm chất lượng và khả thi; kiên quyết không để khoảng trống pháp lý; đối thoại, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phản biện, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia; kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, loại bỏ các giấy phép con; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; khắc phục tình trạng không minh bạch, chồng chéo, trùng lắp, lợi ích cục bộ; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm; đồng thời, gắn hoàn thiện pháp luật với nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước.
2. Thời gian qua, dưới sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực tập trung soạn thảo, trình ban hành số lượng rất lớn các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, đặc biệt là các nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh thi hành Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2016 đã ban hành tổng số 91/101 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đặc biệt các Bộ ngành đã tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành 50/50 nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Các văn bản này đã được nghiên cứu, soạn thảo đúng trình tự, thủ tục quy định; không nâng cơ học các điều kiện đầu tư kinh doanh từ thông tư lên nghị định; tập trung quán triệt và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch và có sự tham gia tích cực, có chất lượng trong việc góp ý kiến, phản biện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Những kết quả quan trọng này là bước đột phá chưa từng có từ trước đến nay trong xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung soạn thảo, ban hành số lượng lớn văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ và các yêu cầu về chất lượng theo quy định, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đưa các quy định của luật đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Hoàn thiện pháp luật là một quá trình liên tục. Chúng ta cần tiếp tục rà soát, đánh giá, kịp thời phát hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các quy định bất hợp lý, kể cả những quy định trong các luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành và kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan tổ chức và nhân dân tăng cường giám sát, phản biện, kiến nghị sửa đổi hoặc loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp.
Trong 6 tháng cuối năm 2016, nhiệm vụ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản còn rất nặng nề với 59 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 98 thông tư cần phải ban hành.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tiếp tục quan tâm đặc biệt, tập trung chỉ đạo quyết liệt; ưu tiên các nguồn lực; cải tiến thủ tục, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; đổi mới cách thức phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, phấn đấu đến cuối năm không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Nguồn Văn phòng Chính phủ