Theo đó, 14 đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất các điểm thi. Bộ cũng phối hợp với lực lượng công an hỗ trợ trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý các gian lận thi cử.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó 120 cụm thi đều đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra , có kết nối với thanh tra Bộ GD&ĐT.
So sánh với kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, năm nay số lượng thanh tra của Bộ GD&ĐT có giảm, nhưng lãnh đạo Bộ khẳng định việc giảm số lượng không đồng nghĩa với việc thanh tra sẽ lỏng hơn.
Trong kỳ thi THPT năm nay cứ 7 phòng thi sẽ có một cán bộ giám sát thực hiện giám sát chức trách, nhiệm vụ của cán bộ coi thi, nhắc nhở cán bộ coi thi, trật tự viên, công an, nhân viên y tế và lập biên bản nếu các đối tượng trên vi phạm quy chế. Cán bộ giám sát này có thể yêu cầu cán bộ coi thi lập biên bản thí sinh vi phạm quy chế (nếu có)…
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, mục đích của các đoàn thanh tra là tạo ra môi trường nghiêm túc, không căng thẳng để giúp cho Hội đồng thi, giám thị và thí sinh tự giác thực hiện quy chế.
Tuy nhiên, thanh tra thi chỉ là công tác bên ngoài, còn cần sự nghiêm túc của các cán bộ làm công tác tổ chức và coi thi. Các cụm thi phải tập huấn rất kỹ cho cán bộ coi thi, kiểm tra giám sát chặt chẽ thí sinh ngay từ khâu gọi thí sinh vào phòng thi để đảm bảo không xảy ra gian lận.
Hội đồng thi phải đảm bảo giám thị làm đúng trách nhiệm của mình. Cán bộ giám sát cũng có quyền kiến nghị điểm trưởng thay đổi giám thị nếu thấy giám thị làm không đúng quy chế.
Quan điểm thanh tra của Bộ là làm nghiêm nhưng mềm mỏng để tránh những áp lực không cần thiết. Các đoàn thanh tra phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo, trung ương và địa phương với tinh thần phòng ngừa là chính, không tạo không khí căng thẳng, không phải xử lý nhiều thí sinh mới là nghiêm.
Nguồn www.chinhphu.vn