1. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13h ngày 24-6 (giờ Hà Nội), 51,9% người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ nước Anh rời khỏi EU (Brexit), trong khi chỉ có 48,1% bỏ phiếu giữ Anh ở lại EU.
Tỉ lệ người dân đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý là 71,8 %, tương đương với 30 triệu người, cao nhất kể từ năm 1992. Cú sốc Brexit khiến đồng Bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1985. Hiện 1 Bảng Anh chỉ đổi được 1,37 USD.
Trước đó, Chính trị gia Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Độc lập ở Anh, người đứng đầu nhóm “ra đi” đã vừa tuyên bố “chiến thắng” cho phe ủng hộ rời khỏi
Theo thông tin mới được cập nhật trên các phương tiện truyền thông Anh, người dân Anh đã lựa chọn phương án rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử với kết quả gay cấn đến phút chót.
Sau khi phiếu được kiểm tại Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland, đã có 52% người dân của Vương quốc Anh chọn phương án ra đi.
Lúc này, người ta đã đề cập đến đầu tiên là tương lai chính trị của Thủ tướng David Cameron. Đang có 2 luồng ý kiến: Với ông Nigel Farage, thủ lĩnh Đảng Độc lập Vương quốc Anh, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc đã ngay lập tức đăng đàn yêu cầu ông Cameron nghĩ đến việc rút khỏi vị trí thủ tướng. Nhưng cũng có tin, những thành viên Đảng Bảo thủ ủng hộ rời châu Âu là Cựu thị trưởng London Boris Johnson và Bộ trưởng tư pháp Michael Gove, đã ký vào một lá thư đề nghị ông Cameron ở lại vị trí thủ tướng.
Theo Ủy ban bầu cử Anh, số lượng người đã đăng ký tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục: gần 46,5 triệu người. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử mà Anh tổ chức trưng cầu dân ý.
Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra sau 4 tháng đấu tranh quyết liệt giữa những nhóm muốn “rời” và “ở lại” EU. Cả thế giới đều theo dõi diễn biến cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến việc Anh “dứt tình” với EU sau 43 năm gắn bó.
2. Mưa to kéo dài tại khu vực Kyushu (Nhật Bản) hôm 23-6, kéo theo lở đất, làm 9 người chết và gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. 73.000 người tại các tỉnh Fukuoka, Saga, Nagasaki, Kumamoto, Oita buộc phải sơ tán đến nơi an toàn.
Theo Cục khí tượng Thủy văn Nhật Bản, lượng mưa tính từ ngày 18-6 đến nay đã vượt mức 600mm. Một số đoạn đê bao ở thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima bị vỡ, khiến nước tràn và nhấn chìm 20 ngôi nhà, làm 2 người bị thương. Tại thành phố Takamatsu, có tới 60 ngôi nhà bị ngập. Chính quyền thành phố Yawatahama lo ngại diện tích trồng quít của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng, không cho thu hoạch như dự định. Mưa lớn có thể sẽ tiếp tục bởi đang xuất hiện một luồng khí áp thấp đổ bộ xuống từ phía Tây Nhật Bản.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, hiện tượng thời tiết cực đoan khi một trận lốc xoáy kèm theo mưa đá và sấm sét ở tỉnh Giang Tô đã phá hủy nhà cửa, các công xưởng và cuốn bay ô tô, gây thiệt hại vô cùng lớn. Theo thống kê tới thời điểm chiều 23-6, có 98 người đã thiệt mạng, khoảng 800 người bị thương, trong đó ít nhất 200 người đang ở trong tình trạng nguy kịch. Theo chuyên gia khí tượng của CNN, lốc xoáy là hiện tượng thời tiết cực đoan hiếm khi xảy ra tại Trung Quốc. Mỗi năm, quốc gia này chỉ hứng chịu trung bình 10 trận lốc xoáy. Tuy nhiên, một khi đã càn quyét, lốc xoáy sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề cho Trung Quốc do kết cấu hạ tầng kém vững chãi, dân số dày đặc cùng sự thiếu vắng hệ thống cảnh báo lốc xoáy tại quốc gia này.
Còn tại Ấn Độ, ít nhất 93 người chết, 20 người bị thương, trong 2 ngày 21 và 22-6 do bị sét đánh. Các nạn nhân bị sét đánh trúng là nông dân làm việc trên đồng.
Tại Ấn Độ, sấm sét là hiện tượng phổ biến xảy ra trong mùa mưa chính. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Ấn Độ có ít nhất 2.000 người thiệt mạng vì sét đánh. Nhưng tỷ lệ người tử vong do sét đánh tại Ấn Độ năm nay cao bất thường so với mọi năm.
P.V