Trước đó cùng ngày, các nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên dường như đã triển khai một phương tiện phóng di động có mang theo một tên lửa đạn đạo có thể là tên lửa tầm trung Musudan tới khu vực bờ biển phía Đông nước này. JCS khẳng định "quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ những dấu hiệu liên quan".
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cảnh báo sẽ có hành động ở cấp độ quốc tế nếu Triều Tiên thực hiện thêm vụ phóng tên lửa vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck (Chô Dun Hi-úc) cho rằng nếu Triều Tiên tiếp tục thực hiện thêm vụ phóng tên lửa, Triều Tiên sẽ bị cô lập thêm trong cộng đồng quốc tế, và trong trường hợp đó, Chính phủ Hàn Quốc dự định sẽ áp dụng nhiều biện pháp, kể cả những biện pháp tại Liên hợp quốc cùng với các đồng minh của mình.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Kyodo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani (Ghên Na-ca-ta-ni) đã ra lệnh các lực lượng phòng thủ nước này chuẩn bị đánh chặn bất cứ tên lửa đạn đạo nào từ Triều Tiên hướng về lãnh thổ hoặc vùng biển của Nhật Bản trong bối cảnh có thông tin cho biết có dấu hiệu Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa đạn đạo. Theo lệnh của Bộ trưởng Nakatani, Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đã bắt đầu triển khai một khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot tại các cơ sở của Bộ Quốc phòng ở trung tâm Tokyo sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào hướng về phía Nhật Bản. Lực lượng phòng vệ trên biển cũng dự kiến triển khai tàu khu trục lớp Aegis tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản.
Cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Kim Gunn (Kim Cưn) khẳng định ông “không có kế hoạch” gặp song phương với người đồng cấp Triều Tiên Choe Son-hui (Chô Xôn Hui) bên lề diễn đàn an ninh khu vực thường niên mang tên “Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á” (NEACD), dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 22-6 tới.
Phát biểu với báo giới khi tới sân bay Bắc Kinh, ông Kim Gunn cho rằng triển vọng nối lại đối thoại với Triều Tiên tại thời điểm này là rất thấp do Bình Nhưỡng không cho thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ đang từ bỏ các tham vọng hạt nhân.
NEACD dự kiến diễn ra vào ngày 22-6, với sự góp mặt của phái viên hạt nhân của 6 nước tham gia đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên gồm Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Triều Tiên. Trong các năm 2014 và 2015, Triều Tiên không tham dự NEACD.
Theo TTXVN