Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Cao cấp Campuchia
Ngày 22-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Cao cấp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn.
Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhiệt liệt chào mừng ông Prak Sokhonn thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Cao cấp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị phía Campuchia tạo điều kiện để kiều dân Việt Nam ổn định cuộc sống, góp phần tăng cường tình láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước; đề nghị Bộ Ngoại giao Campuchia phối hợp với các cơ quan chức năng Campuchia xem xét, tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, trong đó có việc thúc đẩy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư Việt Nam; sớm hoàn tất đàm phán ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước sớm đạt mục tiêu 5 tỷ USD.
Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam-Campuchia lên một tầm cao mới; nhất trí cùng phối hợp tiếp tục chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp dưới nhiều hình thức khác nhau trong thời gian tới.
Hai bên nhấn mạnh năm 2017 là dấu mốc rất quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2017); nhất trí phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa nhằm làm sâu sắc thêm truyền thống quý báu đó.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng; đến kinh tế, thương mại, đầu tư… phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật.
Hai bên hoan nghênh những nỗ lực của cơ quan chức năng hai nước trong thời gian qua đã khắc phục khó khăn và hoàn thành được khối lượng lớn công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và nhất trí đẩy nhanh tiến độ để công tác có ý nghĩa lịch sử này sớm được hoàn tất, nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Hai bên đánh giá cao và nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, phối hợp lập trường giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nước cần tăng cường cùng các nước ASEAN khác củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS); thực hiện DOC và sớm tiến tới COC.
Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước thành viên khác của Ủy hội Mekong quốc tế nhằm bảo đảm việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ
Ngày 22-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì họp phiên đầu tiên của Hội đồng sau khi thành lập theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 17/6 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá Hội đồng là tập hợp đội ngũ chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm và năng lực để tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên nghiên cứu kỹ quy chế làm việc của Hội đồng để quán triệt, thực hiện đúng theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ; bám sát các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao để thảo luận, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, chính sách, đề án lớn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.
Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, các ý kiến thảo luận, tư vấn đều được tôn trọng và bảo lưu, bảo đảm sự bình đẳng, phát huy trí tuệ của mỗi thành viên, có tiếng nói độc lập và có trách nhiệm với sự điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan thường trực của Hội đồng cần tăng cường thêm các phiên họp đột xuất khi cần thiết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng; tổ chức thảo luận, hội thảo, lấy ý kiến đánh giá, góp ý của các chuyên gia, các doanh nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước về chủ trương, chính sách, giải pháp thuộc lĩnh vực tài chính- tiền tệ.
Tại phiên họp đầu tiên này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Hội đồng cần tập trung cho ý kiến về đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thực hiện chính sách tài chính- tiền tệ 6 tháng đầu năm; việc phối hợp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về định hướng và giải pháp điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong 6 tháng cuối năm 2016.
Về chương trình công tác năm 2016, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên đóng góp ý kiến về một số đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2016- 2020; đề án chống đô la hóa nền kinh tế và một số vấn đề quan trọng khác.
Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoạch định và quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách tài chính, tiền tệ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng có 31 thành viên do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered
Ngày 22-6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc phụ trách nhóm năm nước ASEAN và Nam Á.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là vai trò tích cực của Ngân hàng trong việc hỗ trợ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức xếp hạng quốc tế nhằm đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, cũng như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong đợt phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để hoán đổi nợ vào cuối năm 2014.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered tiếp tục tăng cường hỗ trợ các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong quá trình làm việc với các tổ chức xếp hạng quốc tế, để giúp các tổ chức này có nhận định toàn diện, khách quan về tình hình kinh tế- xã hội của Việt Nam, tăng cường hình ảnh vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế nói riêng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin thông qua Bộ Tài chính về diễn biến thị trường tài chính quốc tế, nhu cầu nắm giữ trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành của cộng đồng đầu tư toàn cầu để hỗ trợ Chính phủ cân nhắc, đánh giá các yếu tố thuận lợi và khó khăn trong quyết định tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Ngân hàng Standard Chartered trong việc hợp tác đào tạo nâng cao năng lực và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, đề nghị Ngân hàng này tiếp tục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô; phương pháp và cách thức triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, giải pháp phát triển thị trường tài chính trong nước và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn của Việt Nam.
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp, ông Nirukt Sapru đánh giá kỳ hạn trái phiếu quốc tế của Việt Nam đang thu hút được sự chú ý của thị trường, đây là tiền đề quan trọng cho những lần phát hành trái phiếu tiếp theo, là điều kiện để quản lý nợ công một cách hiệu quả. Ông cũng cho biết Ngân hàng Standard Chartered sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cập nhật, chia sẻ đánh giá về thị trường tài chính quốc tế, phát triển thị trường tài chính trong nước và các vấn đề kinh tế vĩ mô khác.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Phó Chủ tịch điều hành tập đoàn Coca Cola
Ngày 22-6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp ông Irial Finan, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Coca Cola.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vui mừng nhận thấy Coca Cola đã có nhiều tiến triển trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời có những đóng góp nhất định đối với việc thực hiện các trách nhiệm xã hội tại địa phương.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tiếp cận với các nguồn lực một cách minh bạch, bình đằng; kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ bảo vệ môi trường và khuyến khích các doanh nghiệp có nhiều đóng góp hơn cho cộng đồng sở tại.
Cảm ơn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành thời gian tiếp, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Coca Cola kiêm Chủ tịch tập đoàn đóng chai Coca Cola Irial Finan khẳng định tập đoàn Coca Cola mong muốn trở thành một doanh nghiệp kiểu mẫu trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, minh bạch thực hiện các chính sách liên quan đến thuế và tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội tại Việt Nam.
Nguồn Văn phòng Chính phủ