Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ
chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ngày 23-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với quan điểm Chính phủ kiến tạo thì công tác xây dựng thể chế rất quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
“Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là có những việc Nhà nước cần quản lý thông qua thể chế, chính sách. “Không thể bỏ qua các mặt trái của kinh tế thị trường mà Nhà nước cần quản lý, không thể buông hết bởi sẽ dễ bị lạm dụng”.
Cho rằng Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào, Thủ tướng nêu rõ, không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới.
Thủ tướng hoan nghênh Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Nhấn mạnh việc lắng nghe một cách thấu đáo các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, việc lấy ý kiến một lần nữa đối với các văn bản chuẩn bị ban hành là rất quan trọng để tạo ra thể chế tốt nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh cách thức làm việc của phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật lần này là nêu các vấn đề mà các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau, từ đó, thảo luận, tìm ra phương pháp tiếp cận tốt hơn nữa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Không kịp thời sẽ tạo “khoảng trống pháp lý”
Theo báo cáo tổng hợp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày tại phiên họp về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đến nay, đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành. Trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26 văn bản, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4 văn bản.
Về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay, đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.
Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực rất lớn của các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời gian qua, tình hình và kết quả xây dựng, trình ban hành văn bản đã có chuyển biến rõ rệt. Về cơ bản, các bộ, cơ quan đã trình các văn bản quy định chi tiết theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Việc soạn thảo các văn bản đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số văn bản mặc dù được phép áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm thủ tục bắt buộc lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản.
“Đối với các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, VPCP nhận thấy, mặc dù thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng. Từ nay đến khi ký ban hành, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VPCP nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp để rà soát kỹ các điều kiện tác động đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu những điều kiện đầu tư kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, quy định điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị.
Ngoài các văn bản nói trên, từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang, tổng số văn bản cần ban hành sẽ là 42 văn bản.
Kể từ ngày 1/7/2016, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực, theo VPCP, cần phải ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bởi theo quy định của Luật này, các văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực khi luật, pháp lệnh hết hiệu lực. Nếu không ban hành kịp thời sẽ tạo “khoảng trống pháp lý” tác động rất lớn đến công tác quản lý điều hành và thực hiện các quyền con người, quyền công dân và môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiến nghị, cần cải tiến thủ tục soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; đổi mới cách thức phối hợp giữa các cơ quan chủ trì soạn thảo với Bộ Tư pháp, VPCP và các bộ trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, trình dự thảo văn bản... thì mới có thể trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết phù hợp với hiệu lực của các luật, pháp lệnh.
Nguồn chinhphu.vn