Ông Đinh Thế Mẫn, Giám đốc Agribank Ninh Hải cho biết: Để Nghị định nói trên nhanh chóng đi vào cuộc sống, Chi nhánh đã chủ động lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, nhất là Hội Nông dân và Phụ nữ, đồng thời chủ động tiếp cận tình hình kinh tế địa phương và nhu cầu khách hàng vay vốn... Tính đến ngày 10-6-2016, dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt trên 395 tỷ đồng, trong đó dư nợ đầu tư tín dụng cho nông nghiệp-nông thôn (theo NĐ55) là 335 tỷ đồng, với hơn 6.415 lượt hộ được vay vốn, chiếm 85%/ tổng dư nợ, chủ yếu là cho vay đến cá nhân và hộ gia đình.
Nông dân xã Xuân Hải áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước sản xuất măng tây xanh đạt hiệu quả cao.
Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) chăm sóc lúa.
Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) thu hoạch tỏi. Ảnh: HN-ĐN-VM
Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả bằng việc sử dụng đúng mục đích, Chi nhánh đã tập trung phối hợp cho vay thông qua “tín chấp” tổ vay vốn của các Hội Nông dân, Phụ nữ, qua đó giúp ngân hàng giảm thiểu hồ sơ thủ tục và giúp cho các hộ gia đình dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 84 tổ vay vốn, với trên 3.710 thành viên, dư nợ hơn 152,5 tỷ đồng. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn khi gặp những rủi ro khách quan, Chi nhánh còn thực hiện chính sách miễn, giảm lãi tiền vay cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… với số tiền miễn giảm lãi vay tính đến tháng 6-2016 là trên 5 tỷ đồng, với hơn 100 khách hàng. Ngoài ra, Agribank Ninh Hải còn tập trung cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Từ năm 2011 đến nay, Chi nhánh đã đầu tư đạt dư nợ trên 175,4 tỷ đồng/ 2.617 hộ vay, trong số này nhiều nhất là xã Xuân Hải: 44,4 tỷ đồng/ 1.115 hộ, thấp nhất là xã Tân Hải: 17,3 tỷ đồng/ 359 hộ...
Gia đình ông Nguyễn Tuấn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT
đầu tư sản xuất nước mắm.
Trong thời gian tới, Agribank Ninh Hải xác định mục tiêu chủ lực vẫn là tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đạt từ 75 - 80%/ tổng dư nợ. Để thực hiện có hiệu quả, đơn vị gắn đầu tư tín dụng, dịch vụ ngân hàng tập trung vào quy hoạch vùng, cây con và các chương trình phát triển, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn của địa phương. Chuyển từ đầu tư cho vay chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư cho vay theo hướng trang trại. Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng tham gia tổ chức thực hiện để chính sách tín dụng của Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống của người dân, hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và vay nặng lãi ở nông thôn. Tập trung kiện toàn hoạt động của các tổ vay vốn theo nghị quyết liên tịch giữa 2 ngành với Agribank có hiệu quả hơn, nhằm chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn. Không những vậy, đơn vị còn chủ động, linh hoạt trong phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục, đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng khu vực nông thôn, như cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ liên kết…
Ý kiến người vay vốn
Ông Nguyễn Ích
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo An (phường Bảo An, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm):
Hiện nay, HTX của chúng tôi vay Agribank- Chi nhánh Tháp Chàm 200 triệu đồng để đầu tư phân bón cho bà con, thời gian đáo hạn 4 tháng. Trong quá trình vay vốn, cán bộ tín dụng hướng dẫn cho chúng tôi rất nhiệt tình, thủ tục nhanh, gọn. Trong lần đáo hạn sắp đến, chúng tôi muốn vay thêm 100 triệu đồng, nâng mức vay lên 300 triệu đồng để tiếp tục đầu tư cho bà con nông dân, đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện và cần kéo dài thời gian đáo hạn lên 1 năm để thuận tiện hơn cho HTX.
Ông Nguyễn Tuấn
Khu phố Khánh Sơn, thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải:Tháng 6-2015, tôi vay Agribank- Chi nhánh Ninh Hải 500 triệu đồng bằng hình thức thế chấp tài sản để mở rộng cơ sở sản xuất chế biến nước mắm, thời gian đáo hạn 1 năm và mỗi quý trả lãi 1 lần với lãi suất 7%/năm. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng đã giúp gia đình tôi phát triển kinh tế, ổn định sản xuất.
Mai Dũng