Do thuộc diện không phải thực hiện chế độ sổ sách kế toán đầy đủ nên việc quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh rất khó khăn, đặc biệt trong việc xác định doanh thu chịu thuế, mức thuế phải nộp, phải đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng và minh bạch. Để giải quyết tốt vấn đề này, ngày 15-6-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 92/2015/TT-BTC, trong đó nội dung chính yếu là hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.
Thông tư xác định rõ cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (gọi là cá nhân kinh doanh). Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh bao gồm cả một số trường hợp sau: Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật; làm đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Để thực hiện thống nhất, đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định số 2371/QĐ-TCT ngày 18-12-2015 về Quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh.
Mục đích của quy trình là hỗ trợ cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Chuẩn hóa công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh theo nguyên tắc quản lý rủi ro;
- Tăng cường trách nhiệm của cơ quan Thuế các cấp trong việc chỉ đạo, kiểm soát việc xác định doanh thu và mức thuế khoán đối với cá nhân kinh doanh;
- Tổ chức công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đảm bảo công khai, minh bạch (hiện nay được công khai tại Đội thuế và văn phòng UBND các xã, phường, thị trấn; công khai trên Trang thông tin điện tử của các Cục Thuế);
- Tăng cường khả năng giám sát của người dân và các cơ quan, ban, ngành địa phương;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân kinh doanh phục vụ công tác quản lý thu thuế tại từng địa bàn và công tác quản lý thu thuế trên phạm vi toàn quốc.
Nội dung của Quy trình đòi hỏi cơ quan Thuế (cấp Chi cục Thuế) thực hiện những công việc sau:
- Hỗ trợ cá nhân kinh doanh trong việc khai thuế, nộp hồ sơ thuế, nộp thuế;
- Hướng dẫn cá nhân kinh doanh tìm hiểu chính sách, pháp luật Thuế và chính sách pháp luật có liên quan;
- Thống nhất cơ quan Thuế (cấp Chi cục Thuế) thực hiện các công việc về quản lý thu thuế đối với cá nhân kinh doanh như: tổ chức quản lý thường xuyên tại địa bàn; tổ chức công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế trong thời gian lập Sổ Bộ Thuế khoán đầu năm; tổ chức khảo sát doanh thu của cá nhân kinh doanh trên địa bàn; tổ chức phát tờ khai thuế và tiếp nhận tờ khai thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và cơ sở dữ liệu riêng về quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh; xác định doanh thu và mức thuế khoán đối với cá nhân kinh doanh; tổ chức công khai thông tin, tham vấn ý kiến Hội đồng tư vấn thuế và tiếp nhận ý kiến phản hồi; tổ chức việc chỉ đạo, kiểm soát của Cục Thuế đối với việc xác định doanh thu và mức thuế khoán tại Chi cục Thuế; xử lý miễn, giảm thuế theo quy định đối với cá nhân kinh doanh.
Quy trình còn quy định việc cơ quan Thuế khai thác cơ sở dữ liệu tập trung để phục vụ công tác quản lý thuế theo nguyên tắc rủi ro và phục vụ công tác thống kê, báo cáo. Quy trình này không áp dụng đối với việc quản lý thuế từ hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân.
Thanh Phong