Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Bộ Tư pháp
Ngày 16-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Bộ Tư pháp về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Cùng dự buổi làm việc có Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và đại diện một số bộ, ngành Trung ương.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá thời gian qua Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu giúp Chính phủ xây dựng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng như: Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính....
Công tác tham mưu giúp Chính phủ trong việc thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm gắn kết với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, chú trọng tới tính dự báo của chính sách, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị ngành tư pháp nghiêm túc nghiên cứu rút ra kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, tìm ra giải pháp kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
Ngành tư pháp cần nắm bắt những định hướng lớn đã được Đại hội XII của Đảng xác định, Chính phủ vừa được kiện toàn đã chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để giải phóng và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ Tư pháp cần nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu để giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện, tôn trọng kỷ cương pháp luật trên mọi lĩnh vực; tập trung tháo gỡ các rào cản khó khăn vướng mắc trong đầu tư kinh doanh.
Nhấn mạnh tới công tác quản trị đất nước bằng pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tư pháp cần nghiên cứu để có bước đi, lộ trình phù hợp trong việc xã hội hóa một số dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng. Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành rà soát, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nhất là các văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản...
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã trao Quyết định số 1056/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Lê Tiến Châu giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp đoàn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản
Ngày 16-6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tiếp đoàn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) do ông Kenichi Tomiyoshi, Phó Chủ tịch JICA dẫn đầu để trao đổi về các vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch JICA Kenichi Tomiyoshi bày tỏ vui mừng về sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật tiếp tục được khẳng định qua các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao của hai nước trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng đánh giá cao các nghiên cứu của JICA liên quan đến hai lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam là tái cơ cấu DNNN và khu vực ngân hàng trong thời gian qua, coi đây là những hỗ trợ, tư vấn chính sách rất quan trọng tới Chính phủ Việt Nam để thực hiện thành công nhiệm vụ trên.
Phó Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với JICA để nhanh chóng hoàn thiện kiến nghị chính sách này trong bối cảnh Việt Nam kế thừa thành tựu tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng của 5 năm trước và xây dựng, bổ sung các kế hoạch tái cơ cấu cho 5 năm tới nhằm bảo đảm hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế đạt được chuyển biến rõ rệt và những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn các chuyên gia Nhật Bản đánh giá tình hình tái cơ cấu DNNN và hệ thống ngân hàng sát với thực tiễn của Việt Nam hiện nay, có so sánh với các giải pháp mà Nhật Bản đã thực hiện thành công trong quá khứ, đặc biệt là khi xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự cảm ơn của Chính phủ tới JICA đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, đóng góp tích cực vào quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai 2 quốc gia và kết nối phát triển hai nền kinh tế, bao gồm kết nối chiến lược phát triển, kết nối năng lực sản xuất và kết nối đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội
Ngày 16-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá NHCSXH là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người nghèo.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận NHCSXH đã có nhiều sáng kiến đổi mới phương thức quản lý tín dụng ủy thác gắn với sự tham gia của chính quyền cơ sở, chủ động tham mưu cho các bộ, ngành, Chính phủ tháo gỡ khó khăn về chính sách.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng kết hợp hài hòa yếu tố nhà nước và yếu tố thị trường trong hoạt động, trong đó yếu tố nhà nước là chủ đạo, đồng thời đặt ra yêu cầu phải tăng tính chủ động, sáng tạo, rà soát lại các cơ chế, chính sách để đảm bảo tự huy động được nguồn lực của cả xã hội, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước.
Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH đề xuất với Trung ương và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động, đổi mới hơn nữa tư duy, cách thức và tăng cường hơn nữa yếu tố thị trường trong hoạt động của Ngân hàng; NHCSXH cần chủ động huy động vốn trên cơ sở hạn mức Chính phủ đã giao; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư để làm việc với 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và các địa phương để tăng khoản ủy thác từ các địa phương, cùng với đó, thực hiện huy động theo cơ chế thị trường để bổ sung nguồn vốn.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội đàm với Phó Thủ tướng Thái Lan
Ngày 16-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn
Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Thủ tướng Thái Lan Thanasak Patimaprakorn, vào thời điểm quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (06/8/1976-06/8/2016).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao phía Thái Lan đã tạo điều kiện để cộng đồng người Việt bảo tồn, quảng bá và phát huy hình ảnh của các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan; đánh giá cao sáng kiến của Thái Lan về tổ chức biểu diễn múa rối que truyền thống của Thái Lan tại Hà Nội, giúp nhân dân Việt Nam hiểu hơn về đất nước, con người, truyền thống và văn hóa Thái Lan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hai bên cần tiếp tục tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan trong năm 2016, tăng cường quảng bá về đất nước con người ở hai nước; tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác du lịch; sớm ký Kế hoạch hợp tác du lịch Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2016-2018; tăng cường triển khai hợp tác giáo dục, trao đổi sinh viên, khuyến khích giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Thái tại Thái Lan và Việt Nam.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Thanasak Patimaprakorn khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nỗ lực góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan trên các lĩnh vực, đặc biệt là về văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch. Về hợp tác quốc tế và khu vực, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác tích cực với các nước ASEAN nhằm duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm ASEAN và tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế; đồng thời, tích cực hợp tác với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong, bảo đảm lợi ích của các quốc gia hạ nguồn sông Mekong.
Văn phòng Chính phủ