CHỈ THỊ
Về việc tăng cường bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện
cao áp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
__________________________
Trong những năm qua, công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định; các công trình lưới điện cao áp đã được bảo vệ, vận hành an toàn, cung cấp ổn định nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang an toàn một số tuyến đường dây điện cao áp vẫn còn diễn ra và phức tạp như: Xây dựng nhà ở, công trình dưới tuyến đường dây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, đặc biệt là trồng cây lâu năm không đảm bảo khoảng cách quy định tại Điều 12 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện (sau đây viết tắt là Nghị định số 14/2014/NĐ-CP) gây sự cố làm mất điện ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Nguyên nhân của tồn tại trên chủ yếu do công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với địa phương có nơi chưa chặt chẽ trong việc quản lý, bảo vệ và chưa kiên quyết xử lý vi phạm.
Để tăng cường biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm về an toàn điện trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng vận hành an toàn hệ thống lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung như sau:
1. Sở Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thống kê các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh;
b) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp;
c) Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định của pháp luật;
d) Công bố các quy hoạch phát triển điện lực trong từng giai đoạn của tỉnh Ninh Thuận đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến các huyện, thành phố để căn cứ thực hiện;
đ) Phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện và các cơ quan thông tin, truyền thông tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp;
e) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Công an tỉnh:
a) Trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy cho các công trình xây dựng cửa hàng xăng, dầu và các công trình khác có ảnh hưởng đến an toàn công trình lưới điện cao áp phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về khoảng cách an toàn được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành;
b) Chỉ đạo lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tham gia hỗ trợ địa phương, đơn vị quản lý vận hành lưới điện xử lý các trường hợp vi phạm khi có yêu cầu;
c) Tổ chức lực lượng, phương tiện triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ, kịp thời nắm tình hình làm tốt công tác phòng ngừa; đồng thời chỉ đạo điều tra xác minh làm rõ xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp, trộm cắp vật tư, thiết bị điện; thường xuyên thông báo, trao đổi với các phòng, ban, địa phương và đơn vị quản lý vận hành lưới điện về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xâm phạm công trình lưới điện cao áp để phối hợp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn.
3. Sở Xây dựng:
a) Phổ biến, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức liên quan các quy định hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp trong việc lập, thẩm định, cấp phép xây dựng công trình;
b) Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp.
4. Sở Giao thông vận tải: Thực hiện kiểm tra, thanh tra cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tuyến đường tỉnh, quốc lộ được ủy thác quản lý theo quy định, đảm bảo không ảnh hưởng đến công trình lưới điện cao áp.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hỗ trợ địa phương, đơn vị quản lý vận hành lưới điện, Chủ đầu tư các công trình điện xác nhận phần diện tích đất, nguồn gốc phần đất xây dựng các công trình điện cao áp để có phương án bồi thường, hỗ trợ.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến các văn bản có liên quan về công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp;
b) Quy hoạch quảng cáo ngoài trời không được đặt các biển quảng cáo trong hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp và ngoài hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp khi các biển quảng cáo có khả năng ngã đổ vi phạm khoảng cách an toàn điện quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố và đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn chỉ đạo các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy định về an toàn điện trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các Doanh nghiệp viễn thông thực hiện đúng các quy định về đảm bảo hành lang an toàn công trình điện đối với hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông (QCVN 33:2011/BTTTT) ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BTTTT ngày 14 tháng 4 năm 2011của Bộ Thông tin và Truyền thông.
8. Sở Tư pháp
Phối hợp với các sở, ngành có liên quan khi có yêu cầu để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến nhân dân trên địa bàn tỉnh.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;
b) Phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
c) Trong quá trình cấp phép xây dựng cho các công trình xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo cần kiểm tra, đánh giá thật kỹ để tránh tình trạng các công trình sau khi được đầu tư xây dựng lại vi phạm hành lang an toàn lưới điện;
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp ngay từ khi mới xây dựng, không để đến khi công trình hoàn thành mới lập hồ sơ xử lý;
đ) Đề ra các biện pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để những trường hợp vi phạm mới phát sinh, từng bước giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng còn tồn đọng theo từng khu vực;
e) Quán triệt Luật Điện lực, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
10. Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh:
a) Thường xuyên kiểm tra, phát hiện cây trồng mới, nhà cửa, công trình dự kiến xây dựng dọc theo hành lang tuyến đường dây tải điện có khả năng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, kịp thời vận động, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân biết để chấp hành đúng quy định;
b) Rà soát, kiểm kê, dự báo số lượng cây có trước khi thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp và trong hành lang thuộc loại không phải chặt bỏ, cấm trồng như quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP hoặc cây ngoài hành lang có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định 14/2014/NĐ-CP để có phương án xử lý và bố trí kinh phí bồi thường theo quy định. Đồng thời có biện pháp để đảm bảo an toàn vận hành lưới điện; phối hợp với chính quyền địa phương lắp đặt các biển cảnh báo, đánh dấu số cây, nhà, công trình vi phạm, giải thích, thông báo cho chủ công trình và nhân dân biết để có phương án phòng tránh tai nạn điện, giao thông trong khu vực dự kiến đánh dấu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời;
c) Khi nhận được văn bản đề nghị xây dựng mới hoặc cải tạo công trình và hồ sơ có liên quan của chủ công trình, đơn vị quản lý lưới điện cao áp phải có trách nhiệm khảo sát hiện trường nơi dự kiến xây dựng, cải tạo công trình và lập văn bản thỏa thuận với chủ công trình về an toàn điện đối với nhà ở, công trình xây dựng. Trường hợp không thỏa thuận được phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do;
d) Ngừng cấp điện khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện;
đ) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đến các tầng lớp nhân dân để cùng thực hiện.
11. Hiệu lực thi hành
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và và bãi bỏ Chỉ thị số 40/2006/CT-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường bảo vệ, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; các đơn vị quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.