Nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh quân sự

(NTO) Những năm qua, công tác tuyển sinh quân sự (TSQS) ở địa phương được Bộ CHQS tỉnh chú trọng, thường xuyên chỉ đạo Ban TSQS các cấp làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường công tác triển khai, hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan liên quan và trường học đẩy mạnh tuyên truyền, hướng nghiệp, nâng cao nhận thức của học sinh về các nhà trường trong quân đội. Nhờ vậy, công tác TSQS ở các địa phương ngày càng phát huy hiệu quả.

 
Thông qua lớp “Học kỳ quân đội” tuyên truyền, hướng nghiệp công tác tuyển sinh sinh quân sự.

Hàng năm, Ban TSQS tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức công tác TSQS đến cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiện toàn Ban chỉ đạo TSQS đủ thành phần và có quy chế hoạt động, quy định về chức trách, nhiệm vụ của từng thành viên, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong tuyên truyền về TSQS. Hằng năm, Ban TSQS tỉnh và Ban TSQS các huyện, thành phố tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh để làm tốt khâu tuyên truyền, hướng nghiệp và xây dựng hồ sơ. Theo đó, Ban TSQS các huyện, thành phố đã phân công cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của đơn vị trực tiếp tư vấn cho học sinh đang học lớp 11, 12 tại các trường THPT trên địa bàn; tuyên truyền hướng nghiệp, phổ biến các tiêu chuẩn tuyển sinh cho quân nhân trong đơn vị của mình. Hàng năm, vào khoảng tháng 3, tháng 4, hầu hết các Ban TSQS huyện, thành phố thực hiện xong việc tư vấn TSQS ở các điểm trường THPT trên địa bàn, đa số học sinh đã biết được các yêu cầu, cũng như các khối, ngành, nghề đào tạo và nhất là chế độ, chính sách khi được học tập, rèn luyện trong các nhà trường quân đội; trong tháng 5 hoàn thành việc sơ tuyển và cơ bản hoàn tất thủ tục, hồ sơ đăng ký dự thi. Nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn, lo ngại về ngoại hình, thể chất, tiêu chuẩn chính trị, về cuộc sống, học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội, những tiêu chuẩn, quy định ràng buộc để xét tuyển vào các nhà trường quân đội... đều được cán bộ tuyển sinh tư vấn kỹ. Ban TSQS các cấp đã phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả như: Lồng ghép các đợt giáo dục kiến thức quốc phòng, chương trình “Học kỳ trong quân đội”, các buổi giao lưu với đơn vị kết nghĩa…, tổ chức cho nhà trường và học sinh tham quan môi trường học tập trong quân đội; phối hợp với địa phương và gia đình giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường quân đội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc để trực tiếp động viên con em mình đăng ký thi vào trường quân đội. Nhiều địa phương còn in hàng nghìn tờ rơi với nội dung khái quát về nhà trường quân đội và các chế độ, chính sách ưu đãi trong học tập và việc làm cho học sinh khi trúng tuyển ở các nhà trường quân đội, tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, hàng năm ở địa phương có trên 100 học sinh đăng ký dự thi vào các trường quân đội, trong đó có trên 10% thí sinh trúng tuyển.

Năm 2016, công tác TSQS đặt ra mục tiêu làm sao để có nhiều thí sinh đăng ký học tập trong quân đội và có nhiều học sinh giỏi đăng ký tuyển sinh vào nhà trường quân đội. Để công tác TSQS đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả, Ban TSQS các cấp tập trung đột phá vào công tác tuyên truyền, hướng nghiệp. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, tư vấn, bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ xác định, để Nhân dân, học sinh nhận thức, lựa chọn đúng đắn, tự nguyện đăng ký dự thi, xét tuyển vào các trường trong quân đội với số lượng và chất lượng ngày càng cao.